Được vay thì sợ lãi suất cao
Hậu quả của việc lãi suất cho vay tăng cao sẽ chỉ gây hại mà không có lợi là điều ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, cùng gặp khó, nhưng ngân hàng vẫn còn được lợi vì huy động cao thì cho vay cao hoặc dừng huy động, người gửi tiền cũng được lợi ít nhiều dù đồng tiền có mất giá, chỉ có doanh nghiệp là đang "dở sống, dở chết" vì lãi suất, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 1/3 doanh nghiệp hiện không tiếp cận được vốn ngân hàng. |
Tổng giám đốc một doanh nghiệp mây tre (Hà Tây) cho biết: "Chưa ở nước nào mà các doanh nghiệp lại phải chịu đựng một mức lãi suất cao khủng khiếp như ở Việt Nam. Tỷ suất lợi nhuận thì cố định, nếu cứ nhắm mắt vay để kinh doanh mà có lãi là điều vô lý".
Ông Nguyễn Hải Sơn - Tổng Giám đốc Doanh nghiệp Ông già KIA, một thương hiệu đang có tiếng trên thị trường hiện nay, chuyên sản xuất chế biến hàng thực phẩm cho biết: Tình trạng khó tiếp cận vốn không chỉ rơi vào những doanh nghiệp không có tài sản thế chấp, nợ quá hạn chưa trả hết, tình hình tài chính thiếu minh bạch… mà ngay cả những doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ tiêu chí vẫn khó vay vì ngân hàng viện lý do bị khống chế tăng trưởng tín dụng.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất xi măng có tiếng tại Hải Phòng cho hay: Từ đầu tháng đến nay ngân hàng đang gọi đến để giải ngân khoản vay 45 tỷ đồng để phát triển sản xuất với lãi suất 20% (trong đó có 2,5% được hưởng hỗ trợ lãi suất) nhưng doanh nghiệp không dám vay vì trong tình trạng các công ty xây dựng, san nền đều đang khó khăn về vốn nên không mở rộng sản xuất. "Nếu vay tiền nhiều, sản xuất ra xi măng không bán được thì lấy đâu tiền để trả lãi" - vị giám đốc này cho biết.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Công ty TNHH phân phối và cung ứng VLXD Mạnh Chiến (Võng La, Đông Anh, Hà Nội) nói: "Nếu cao nhưng vay được thì không có gì để nói. Đằng này, cao lại còn không vay được. Tài sản cầm cố mình cũng có, nhưng khó nhất là chứng minh có trả được nợ hay không. Doanh nghiệp phân phối nhỏ như tôi, một tháng kiếm ra trăm triệu doanh thu, nhưng trừ đi chi phí thuê xưởng, lao động, giám sát, thì phần dư ra không đủ để trả nợ lãi".
Lãi suất cao làm doanh nghiệp yếu đi
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Việc lãi suất cho vay vẫn cao chót vót khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp chỉ dựa vào vốn để tăng trưởng khi gặp lãi suất cao, không tiếp cận được vốn rất nhiều khả năng dẫn tới suy thoái.
Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nhận xét tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều doanh nghiệp cố thủ, nhưng nếu không có chính sách gì để tháo gỡ khó khăn thì sẽ không qua khỏi.
"Lãi suất 24 - 25% làm sao doanh nghiệp chịu nổi. Tôi cũng khuyên các ngân hàng với lãi suất này đừng cho doanh nghiệp vay nữa, vì không mang lại hiệu quả mà còn khiến doanh nghiệp yếu hơn, chỉ cầm cự trước mắt" - ông Minh nói.
Xoay quanh vấn đề lãi suất cho vay hiện đang rất cao, vượt xa sức chịu đựng của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: Việc hạ lãi suất là một việc làm cấp thiết nhất thời điểm này để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản suất. Ngân hàng Nhà nước với "quyền năng" của mình, phải đặt mục tiêu hạ lãi suất cho ngân hàng thương mại vay thì mới giúp lãi suất trên thị trường giảm xuống được.
Hương Thủy
Ông Nguyễn An - Giám đốc Công ty Thép Thái Bình Dương (KCN Liên Chiểu, Đà Nẵng): Chỉ hoạt động cầm chừng
Để có thể hoạt động sản xuất, công ty chúng tôi cần thêm vốn vay khoảng 200 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, lãi suất vay tăng 23%/ năm, nên doanh nghiệp không dám vay mặc dù nhiều ngân hàng chào mời cho vay với hạn mức 150-200 tỷ đồng/năm. Hiện công ty chỉ có thể hoạt động cầm chừng để bù chi phí cho máy móc, điện nước và giải quyết việc làm cho hơn 400 công nhân.
Ông Trần Văn Lĩnh - Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước (Khu công nghiệp Thủy sản Thọ Quang, Đà Nẵng): Làm chỉ đủ trả ngân hàng
Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, thời điểm thu mua vụ cá nam để phục vụ cho xuất khẩu tăng mạnh, nên công ty rất cần vốn. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay hầu hết các ngân hàng công ty tiếp xúc đều đưa ra mức lãi suất quá cao, nơi thấp nhất cũng đến 23%/năm. Nhiều ngân hàng đưa mức lãi suất lên đến 24%. Với mức lãi suất như vậy, chúng tôi không dám vay bởi làm nhiều cũng chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Nếu cứ đà này, chắc những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như tôi có vốn đến đâu làm đến đấy không dám “đụng” đến ngân hàng.
Ông Dương Việt Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản Miền Nam (TP.Cần Thơ): Nên hạ lãi suất
Tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp hiện nay là trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh cũng không dám vay vì lãi suất ngân hàng quá cao.
Trong lúc này, doanh nghiệp đều đứng trước 2 lựa chọn là đóng cửa nghỉ sản xuất hoặc tiếp tục gồng mình cầm cự trong cơn “bão” lãi suất! Nhưng nếu đóng cửa nghỉ thì doanh nghiệp sẽ khó phục hồi lại được do đã có cơ sở sản xuất, con người, nhân công lao động, khách hàng...
Do vậy, đa phần doanh nghiệp đều phải chấp nhận cầm cự để giữ khách hàng và thị trường. Ngân hàng Nhà nước nên có giải pháp để hạ lãi suất xuống, cứu doanh nghiệp.
Bà Võ Thị Kim Dung - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO): Hãy cứu doanh nghiệp
CASUCO gặp rất nhiều khó khăn do lãi suất tăng cao. Hiện nay lượng đường tồn kho của công ty khoảng 25.000 tấn nên lượng vốn nằm trong kho trên 400 tỷ đồng. Đây là áp lực rất lớn để trả lãi suất ngân hàng lên đến 22%/năm.
Hiện công ty có gần 1.000 công nhân. Khi doanh nghiệp gặp khó sẽ ảnh hưởng lớn đến người lao động và tất nhiên sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến hàng trăm ngàn nông dân trồng mía. Vụ mía mới chuẩn bị bắt đầu nhưng CASUCO đang rất đau đầu với bài toán về lãi suất ngân hàng và giải quyết lượng đường tồn kho.
Thiết nghĩ, Chính phủ, các bộ, ngành cần tìm ra những giải pháp thật đồng bộ, hiệu quả để cứu những doanh nghiệp.
Ông Phạm Phú Thống - Giám đốc Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (Quảng Nam): Chúng tôi toát mồ hôi
Do làm ăn lâu năm, chúng tôi có mối quan hệ khá thân thiết với ngân hàng, chuyện vay vốn không phải là vấn đề. Điều chúng tôi quan tâm là lãi suất. Chúng tôi liên tục nhận được các thông báo thay đổi lãi suất vay theo hướng tăng dần, từ dưới 16%/năm lên 19%/năm, sau đó là trên 20%. Mỗi lần nhận thông báo thay đổi lãi suất là mỗi lần toát mồ hôi.
Thực tế, do lãi suất tăng liên tục nên xét về chỉ tiêu kinh doanh cả năm, công ty lỗ gần 70 tỷ đồng, dù doanh thu vẫn tăng 30% so với năm 2010. Nếu tình hình còn kéo dài, chắc công ty sẽ không cầm cự nổi.
Hoàng Mai - Vân Anh (ghi)