Dân Việt

“Đảng tự đòi hỏi nhân dân giám sát”

Lương Kết (thực hiện) 02/02/2015 07:50 GMT+7
"Trong vấn đề xây dựng Đảng đã có những cố gắng, đã bắt kịp việc chống nguy cơ xa dân, chống quan liêu, tham nhũng, chống diễn biến hòa bình. Nhưng đáng tiếc là ta không làm liên tục và không kiên quyết" - ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thẳng thắn chia sẻ khi trả lời phỏng vấn NTNN. 

Đảng ta từng chỉ ra 4 nguy cơ với chế độ là diễn biến hòa bình, chệch hướng XHCN, tụt hậu xa về kinh tế so với các nước và nạn tham nhũng, tệ quan liêu. Theo ông, đến thời điểm này, Đảng ta đã đối phó ra sao với 4 nguy cơ trên?

img
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt. T.T

- Đảng ta rất nhạy cảm về chính trị, trước tình hình phát triển của thế giới, tình hình có những biểu hiện suy thoái của CNXH ở các nước, Đảng ta đã thấy trong giai đoạn mới không thể thực hiện đường lối cứng nhắc, giáo điều như trước. Đảng đã đặt vấn đề một cách toàn diện, chính vì thế đã nhận ra được 4 nguy cơ trên và đã kịp thời xây dựng chỉnh đốn Đảng, chăm lo công tác Đảng, coi xây dựng Đảng là then chốt, coi phát triển kinh tế là trọng tâm. Nhờ đó, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu đáng kể.

 

Tuy nhiên, đáng lẽ ta có được những thành quả lớn hơn bây giờ. Vị thế của Việt Nam sẽ còn cao hơn nhiều kể cả về mặt kinh tế - xã hội, chính trị, văn hóa... Đáng lẽ sự sôi nổi phấn chấn của người dân trong việc hưởng ứng đường lối đổi mới của Đảng, như đã từng hưởng ứng các cuộc kháng chiến trước đây, phải được liên tục nhân lên. Tôi thấy rằng, trong những năm gần đây đã có biểu hiện chậm trễ, thực hiện không kiên quyết, chưa đúng ý thức trách nhiệm theo Nghị quyết Đảng đã đề ra.

Điều này thể hiện ở việc phát huy dân chủ, xây dựng đoàn kết của các tổ chức Đảng từ T.Ư đến địa phương còn hạn chế; rồi cả sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, không chỉ ở dưới mà cả cấp trên, ở các cấp các ngành, từ T.Ư xuống địa phương. Không nói cụ thể được nhưng dường như ai cũng có khái niệm, ai cũng hiểu là hiện giờ vấn đề tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, xa dân rất rõ. Cho nên lòng tin của dân với Đảng bây giờ có một khoảng cách. Nạn tham nhũng, tệ quan liêu là một nguy cơ mà Đảng ta đã biết, đã đề ra và đã làm nhưng làm chưa đúng mức, chưa kiên quyết nên đến Hội nghị T.Ư Đảng lần 4, khóa XI lại đề ra Nghị quyết xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đáng lẽ từ Hội nghị T.Ư 6 (lần 2) khóa VIII, ta cứ làm liên tục thì thắng lợi biết bao nhiêu. Vấn đề này, đã và đang trở thành nguy cơ của Đảng ta nên không thể xem nhẹ được.

Công tác giám sát, phản biện, góp ý của các tổ chức đoàn thể, người dân để xây dựng Đảng là khâu hết sức quan trọng. Để công tác trên được phát huy hiệu quả và thực chất, theo ông Đảng cần phải làm thế nào?

Quan điểm

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt
  Việc cán bộ không rèn luyện thường xuyên dễ dẫn đến chỗ xa dân, quan liêu, tham nhũng, làm mất lòng tin của dân. Nguy hại hơn, nó sẽ tự tạo thành "diễn biến hòa bình". Đó cũng là sự cản trở động lực thúc đẩy nông dân, công nhân, trí thức, kiều bào... xây dựng, phát triển đất nước”. 
- Tôi thấy nhân dân ta rất tốt, đảng viên, cán bộ nói chung là tốt, còn phần tử chống đối chỉ một số ít. T.Ư đã nêu ra vấn đề phản biện, giám sát từ hơn 10 năm nay mà chưa làm được, thì ta phải nhìn nhận đó là khuyết điểm. Khuyết điểm đó thể hiện ở chỗ việc phát huy dân chủ còn kém. Nó cho thấy sự chủ quan tự mãn, không thấy được trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, cán bộ về hưu, của những trí thức trong và ngoài nước cần phải phát huy.

 

Còn về quy chế giám sát Đảng, tôi thấy khá ổn. Nhưng vấn đề chính là Đảng phải tự đòi hỏi nhân dân giám sát mình, vì Đảng là của nhân dân, của dân tộc. Có như thế mới khắc phục những khiếm khuyết. Trên thực tế có bao nhiêu vụ tham nhũng, tiêu cực, rồi tệ quan liêu xảy ra nhưng có tổ chức Đảng nào chỉ ra được không hay toàn do quần chúng, báo chí phát hiện ra, công an vào cuộc mới thành chuyện.

Tôi lấy ví dụ như vụ ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, khuyết điểm như thế mà từ dưới lên trên không phát hiện được. Mục tiêu của giám sát và phản biện cho Đảng chúng ta được hai cái. Thứ nhất phát huy dân chủ. Thứ hai, chỉ có giám sát, phản biện mới có điều kiện tập hợp được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, công tác quy hoạch cán bộ đang trở thành vấn đề nóng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu mới đây đã đề nghị cần phải làm rõ có hay không chuyện chạy chức chạy quyền, để không mang tiếng cho cán bộ, tổ chức. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Tôi không nghĩ mọi người đều hư hỏng, mọi tổ chức đều hỏng nhưng với tình hình như hiện nay tôi nghĩ xu thế đua tranh để có địa vị cá nhân trong dịp Đại hội Đảng sắp tới là khá rõ. Vì thế không có gì phải né tránh, không dám đề cập. Giờ tìm được người dám nói tôi không cần chức vụ gì chắc khó lắm. Có ai dám tự bảo giờ có nhiều người giỏi hơn, tôi xin nghỉ không? Nếu có nhiều người tự giác như thế, chúng ta mới yên tâm không có chuyện chạy chức, chạy quyền.

Tính tự giác ấy, tư tưởng giác ngộ ấy còn thấp thì tư tưởng chạy chức, chạy quyền vẫn tồn tại. Hội nghị T.Ư 4 khóa XI đã đánh giá tình hình tham nhũng, tiêu cực như thế mới chỉ thể hiện trên lĩnh vực kinh tế. Còn việc thao túng về chức vụ, quyền lực vẫn phải đặt dấu hỏi nghi ngờ. Vì thế, nếu làm không kiên quyết, triệt để, nhiều nơi nhìn bên ngoài thì đoàn kết nhưng là giả tạo.

Muốn khắc phục được cái đó thì phải hết sức dân chủ, phải đoàn kết đồng thuận cao trong Đảng. Chỉ có đoàn kết trong Đảng thì những việc bàn bạc về đường hướng chủ trương phát triển mới thật, nếu không chỉ là hình thức.

Xin trân trọng cảm ơn ông!