Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đã mua 7 con cá trên với giá 120.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường 20.000 đồng/con). Riêng tàu thứ 5 cập cảng ngày 1.2, với 35 con CNĐD nhưng chỉ 1 con đủ tiêu chuẩn sang Nhật, tuy nhiên không thể “một mình lên máy bay”. Tất cả số CNĐD còn lại của 5 tàu đều được BIDIFISCO mua với giá 103.000 đồng/kg.
Nỗ lực hết sức
Đây là lần thứ hai CNĐD Bình Định lên máy bay sang Nhật, sau 10 con được chọn đấu giá vào tháng 8.2014. Từ tháng 9.2014, Bình Định đã quyết định tạm dừng chọn cá xuất thẳng sang Nhật để tiếp tục trang bị, huấn luyện ngư dân thuần thục đánh bắt CNĐD theo công nghệ mới.
Trong khi đó, ông La Tình (chủ của 4/5 tàu trên) cho hay: “Chúng tôi đã nhận thức rõ được giá trị của việc chuyển đổi công nghệ đánh bắt. Tuy nhiên, một số anh em bạn tàu cũng chưa quen, lại bị áp lực về số lượng nên chưa tuân thủ đủ các bước câu và bảo quản cá. Tất cả phải cùng kiên nhẫn hỗ trợ nhau để hình thành một phương cách khai thác cá ngừ kiểu mới, hiệu quả hơn hẳn”.
Dự án dài hơi
Ngày 1.2, đại diện chính quyền tỉnh Bình Định và đoàn công tác thủy sản Nhật đã bàn thảo, ký kết Dự án xác định và phổ biến phương pháp hiện đại hóa nghề đánh bắt cá ngừ Việt Nam. Theo kế hoạch ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam, chương trình “Phát triển cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp và phát triển kinh tế bền vững ở vùng nông thôn” được xác định là mục tiêu của chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất CNĐD tươi (nguyên con) được các nhà lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam đề xuất và được Chính phủ Nhật Bản quan tâm đặc biệt.
Dự án thống nhất trong 2 năm (2015 - 2016) sẽ tiếp tục hỗ trợ Bình Định 25 bộ câu CNĐD công nghệ Nhật. Trong đó, mấu chốt là hệ thống “Tuna - Shocker” sẽ tạo ra sóng xung điện đặc biệt để làm tê liệt tức thì, triệt tiêu sự vẫy vùng để dễ dàng đánh bắt, giữ chất lượng thịt CNĐD. Bên cạnh đó, 9 chuyên gia Nhật tham gia dự án sẽ liên tục “bám trụ” tại Bình Định để huấn luyện sử dụng công nghệ mới đánh bắt CNĐD. Phía Bình Định sẽ có 14 người là ngư dân, cán bộ thủy sản được sang Nhật học tập phương pháp câu, kiểm tra cá và sửa chữa máy móc chuyên dụng. Các hình thức xây dựng thương hiệu CNĐD Việt Nam tại Nhật cũng đã được bàn đến.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chương trình hợp tác phát triển xuất khẩu CNĐD Bình Định đang có sự đồng thuận cao từ nhiều phía. “Tất cả đang cùng nhiệt tâm, kiên trì để dự án thành công, góp phần nâng cao thu nhập trực tiếp cho ngư dân”.