Dân Việt

Tìm cách giảm giá thành, tăng giá bán

19/05/2011 06:39 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (18.5), Bộ NNPTNT đã có cuộc hội thảo bàn về giá trị gia tăng (GTGT) đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa gạo và cà phê.

Giá trị sản phẩm còn thấp

img
Giá trị gia tăng của cà phê vẫn chưa đạt như yêu cầu.

Năm 2010, cả nước xuất khẩu được gần 7 triệu tấn gạo, thu về hơn 3 tỷ USD, xuất 1 triệu tấn cà phê, thu về hơn 2 tỷ USD. Con số trên được cho là kỷ lục đối với các mặt hàng nông sản này. Tuy nhiên, theo nhận định mặc dù tổng số tiền thu về cao, nhưng thực tế GTGT của các mặt hàng này vẫn còn thấp hơn so với cùng sản phẩm của các nước như Thái Lan (gạo), Brazil (cà phê).

Đơn cử như giá thành bán gạo đã qua chế biến hiện nay là 9.000 đồng, nhưng GTGT chỉ có 1.100 đồng (tức 12,2% ), trong khi đó giá gạo xuất khẩu là 10.000 đồng, GTGT chỉ đạt 1.000 đồng (tức 10%). Các sản phẩm cà phê có GTGT cao hơn với mức trung bình là 50%, trong đó cà phê bột dạng rang xay đạt 60% và cà phê hoà tan đạt 37,5%. Song nhìn chung đối với mặt hàng "quý tộc" này như nhiều chuyên gia nhận định là vẫn chưa đạt, mà còn phải tăng hơn nữa, bởi đây là hàng hiếm chỉ có một vài nước trồng được, nên GTGT bình quân ít nhất phải là 75,7%.

Ông Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: "Mục tiêu của chúng ta là phải giảm giá thành, tăng giá bán ở mỗi công đoạn cụ thể của từng sản phẩm cụ thể. Trong chuỗi sản xuất hiện nay, chúng ta mới chỉ chú ý đến công đoạn thô, nên giá trị xuất khẩu còn thấp. Hay nói cách khác, chúng ta "khuân vác" nhiều, nhưng tiền thu được lại ít. Do đó, cần làm những thứ "khuân vác" ít, nhưng thu được tiền nhiều hơn. Như vậy, cần phải điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tăng GTGT ở những công đoạn mới".

Giải pháp nào tăng giá trị sản phẩm?

img Trong chuỗi sản xuất hiện nay, chúng ta mới chỉ chú ý đến công đoạn thô, nên giá trị xuất khẩu còn thấp. img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát

Theo các giải pháp được đưa ra trong "Đề án nâng cao GTGT trong nông nghiệp", mục tiêu của ngành nông nghiệp là giảm tổn thất đối với lúa gạo xuống còn 5-6%, nâng cao thêm GTGT trong xuất khẩu gạo lên 15% vào năm 2015 và 20-25% vào năm 2020.

Để làm được điều này, cần áp dụng nhiều biện pháp như tăng tỷ lệ cơ giới hoá ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên 40-60%, đầu tư hệ thống phơi sấy, đặc biệt là nâng cấp và xây dựng hệ thống kho chứa thóc gạo ở ĐBSCL lên 4 triệu tấn ngay vào năm 2013.

TS Vũ Trọng Bình- Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho rằng: "Có 3 biện pháp để làm tăng GTGT đối với sản phẩm nông nghiệp: Một, giảm chi phí giao dịch của ngành hàng, hiện chi phí này đang ở mức cao do việc thu gom các sản phẩm nông nghiệp mất nhiều thời gian, công sức vì sản xuất của chúng ta còn nhỏ lẻ.

Hai, áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí rủi ro. Ba, tăng giá bán bằng cách xây dựng những thương hiệu lớn, có uy tín, nhất là sản phẩm phải bán được đến tận tay người tiêu dùng. Muốn thực hiện được những giải pháp này, cần tăng quy mô giao dịch của ngành hàng, cắt ngắn chuỗi sản phẩm, đặc biệt là các chuỗi trung gian".

Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp: "Chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp nước ta còn cao do quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu nông sản còn yếu. Vì thế, cần có quy hoạch riêng cho lĩnh vực này như xây dựng các cảng nước sâu để phục vụ xuất khẩu nông sản, thậm chí ở ĐBSCL cần xây dựng tuyến đường sắt chuyên phục vụ vận chuyển nông sản xuất khẩu".

Ngoài các mặt hàng lúa gạo, cà phê, Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng đề án GTGT cho các mặt hàng chủ lực khác là chè, chế biến gỗ, cao su.