Đội chiêng trẻ thôn Kon Ke
Vào một chiều cuối đông, trên đoạn đường di chuyển từ TP.Kon Tum đến huyện Kon Plong tôi được bà Nguyễn Thị Quyết – Phó phòng Văn hóa -Thông tin huyện kể câu chuyện về “Đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên”. Tôi nhất quyết nhờ đoàn dẫn về thôn Kon Ke, xã Đăk Long để được “mắt thấy, tai nghe” về những “nghệ nhân thanh niên” này.
A Đruế (23 tuổi), đội trưởng “Đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên” thôn Kon Ke giới thiệu: Người dân trong làng và khách du lịch đặt cho chúng em cái tên “Đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên” chứ thực tình chúng em chưa có giấy tờ chứng nhận nghệ nhân gì đâu. Tối nay có đoàn khách du lịch từ TP.Hồ Chí Minh đến thăm, nên đội chúng em lên thác Pa Sĩ (Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plong) biểu diễn chào mừng.
A Đruế cho hay: “Đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên” thôn Kon Ke gồm 25 thành viên; trong đó có 10 cô gái và 15 chàng trai ở độ tuổi từ 18 - 28, đều là những thanh niên của dân tộc M’nâm. Các thành viên trong đội được già làng truyền dạy từ khi còn rất nhỏ, nên giờ ai cũng thành thạo các điệu chiêng, múa xoang của dân tộc mình. Đến năm 2012, A Đruế và các thành viên đã họp nhau đề xuất với già làng, thôn trưởng và bà con cho thành lập đội cồng chiêng, múa xoang thanh niên. Kể từ đó, trong thôn, xã hễ có lễ hội hay phong tục gì, đội đều đem cồng chiêng, múa xoang góp vui và được bà con, khách du lịch ủng hộ nhiệt tình.
Để duy trì hoạt động của đội, hàng năm đội cồng chiêng, múa xoang lại bổ sung thêm thành viên mới để thay cho những người lập gia đình không có thời gian tham gia. A Liên (25 tuổi), thành viên “Đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên” thôn Kon Ke bộc bạch: Trước đây, em cũng biết đánh cồng chiêng, nhưng khi tham gia vào đội, em được học hỏi thêm và đến nay đánh rất thành thạo, đặc biệt là ngoài các bài diễn tấu của dân tộc M’nâm giờ em còn biết đánh cả các điệu thức của dân tộc Ba Na, Xê Đăng.
Tuy thành lập chưa được lâu, nhưng “Đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên” thôn Kon Ke, xã Đăk Long đã từng bước khẳng định được khả năng, trình độ của mình. Bởi vậy, giờ đây mỗi khi có bất kỳ lễ hội lớn của thôn, xã hay huyện đều có mặt của những thanh niên này, để góp cho buổi lễ thêm long trọng và náo nhiệt. Đến năm 2013, “Đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên”, lần đầu tiên đại diện cho huyện Kon Plông đi tham dự hội thi cồng chiêng, múa xoang trong tuần lễ văn hóa và du lịch của tỉnh và đội đã giành giải Ba toàn đoàn.
Thanh niên làng làm du lịch
Nhận lời mời của đội trưởng “Đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên”, tôi có mặt tại thác Pa Sĩ vào 19 giờ tối hôm đó để cùng đoàn khách du lịch thưởng thức nét văn hóa mang đậm chất Tây Nguyên. “Có khách, Phòng Văn hóa huyện thông báo là chúng em tranh thủ tập trước 1 ngày, tối lên để biểu diễn góp vui. Cùng với đánh chiêng, múa xoang quanh đống lửa, chúng em còn hướng dẫn du khách chơi nữa” - đội trưởng A Đruế khoe.
Bà Nguyễn Thị Quyết cho biết: Nhờ hoạt động sôi nổi, nhiệt tình, “Đội cồng chiêng múa xoang nghệ nhân thanh niên” được mời tham gia biểu diễn khắp nơi. Năm 2013, Phòng Văn hóa -Thông tin huyện đã phong cho đội là đội cồng chiêng, múa xoang nghệ nhân thanh niên bán chuyên nghiệp của huyện. “Huyện Kon Plong có Khu du lịch Măng Đen nổi tiếng, đây cũng chính là nguồn thu kinh tế cho huyện. Vì vậy, huyện luôn đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với văn hóa dân tộc. Để làm tốt điều này, phải tạo điều kiện cho bà con đồng bào tham gia vào việc cung cấp các sản phẩm, văn hóa truyền thống đến với du khách. Chính vì lẽ đó, chúng tôi đã chọn và đưa văn hóa cồng chiêng, múa xoang gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, đây cũng là hoạt động quan trọng góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa địa phương”- bà Quyết nói.
“Khi được công nhận là đội chiêng bán chuyên nghiệp của huyện, chúng em rất mừng và xác định là sẽ tập luyện thật tốt để giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mỗi lần đi đánh chiêng cho khách là giới thiệu cho họ biết được văn hóa cồng chiêng với những bài chiêng như: “Mừng lúa mới”, bài chiêng trong lễ đâm trâu và tết truyền thống…” - A Liên vui mừng cho biết.
Mỗi lần mời đi tham gia biểu diễn cồng chiêng, múa xoang cho du khách, cả đội cũng chỉ được bồi dưỡng 1,5 triệu đồng. Số tiền tuy không cao, nhưng điều quan trọng hơn cả là họ được thỏa đam mê nhạc cụ truyền thống và góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc.