Đây là một trong những khuyến nghị của Tổ chức Oxfam, sau khi tổ chức này có nghiên cứu “Khuyến nông và giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Những lựa chọn chiến lược”. Phóng viên NTNN đã trao đổi với bà Vũ Thị Quỳnh Hoa – Quản lý Chương trình vận động chính sách và truyền thông (Oxfam) về khuyến nghị này.
Thưa bà, vì sao Oxfam lại nhấn mạnh ý nghĩa của công tác khuyến nông khu vực đồng bào dân tộc thiểu số?
Những thách thức đối với giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS đòi hỏi cấp bách phải có những đổi mới cơ bản về khuyến nông và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Bà có thể cho biết thêm, nghiên cứu của Oxfam tập trung vào những vấn đề nào của khuyến nông?
- Với mong muốn góp phần cung cấp thông tin thảo luận chính sách giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS, năm 2014, Tổ chức Oxfam đã tiến hành một chuyên đề phân tích chính sách về “khuyến nông và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp” tại 7 tỉnh có đông đồng bào DTTS, gồm Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Nông, Ninh Thuận và Trà Vinh, trong khuôn khổ Dự án “Theo dõi và phân tích chính sách giảm nghèo” giai đoạn 2014-2016.
Chuyên đề này tập trung tìm hiểu một số vấn đề trọng tâm, những điển hình thực hành tốt ở các địa bàn khảo sát, nêu các khuyến nghị chính sách ở cấp Trung ương và giải pháp triển khai ở các cấp địa phương về hai mảng chính. Đó là hệ thống khuyến nông nhà nước và các bên liên quan trong công tác khuyến nông ở vùng đồng bào DTTS, ở đây cụ thể là liên kết và phối hợp của hệ thống khuyến nông nhà nước và các bên liên quan, nội dung và phương pháp đặc thù với đồng bào DTTS, ngân sách và mạng lưới cơ sở. Thứ hai là xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hướng đến giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS.
Và nghiên cứu này đã “phát hiện” ra vấn đề gì cần lưu ý?
- Qua khảo sát, Oxfam nhận thấy, để thực hiện sứ mệnh hỗ trợ giảm nghèo của khuyến nông, quan trọng nhất hiện nay là có những quyết định lựa chọn chiến lược trong thiết kế chính sách ở cấp Trung ương và triển khai các giải pháp thực hành ở các cấp địa phương. Một trong những khuyến nghị quan trọng của Oxfam là ưu tiên “khuyến nông sinh kế” hướng đến giảm nghèo.
Vì sao “khuyến nông sinh kế” cần được ưu tiên quan tâm hơn so với hiện nay, thưa bà?
- Trong khuyến nông, có hai mảng hoạt động cơ bản là “khuyến nông sinh kế” (hướng đến các địa bàn nghèo) và “khuyến nông sản xuất hàng hóa” (hướng đến các địa bàn thuận lợi cho sản xuất hàng hóa lớn). Về nguyên tắc, hệ thống khuyến nông của Nhà nước cần tập trung đầu tư cho “khuyến nông sinh kế”– vì đây là mảng dịch vụ công, phi lợi nhuận mà các tác nhân thị trường không muốn làm hoặc làm không hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự phân biệt rõ về khái niệm và định hướng ưu tiên cụ thể giữa “khuyến nông sinh kế” và “khuyến nông sản xuất hàng hóa” trong chương trình khuyến nông của các tỉnh, huyện khảo sát.
Những lựa chọn chiến lược mà Oxfam muốn khuyến nghị đến Nhà nước là gì?
- Ngoài “ưu tiên khuyến nông sinh kế”, chúng tôi muốn khuyến nghị thêm một số vấn đề khác như: Áp dụng các phương pháp khuyến nông phù hợp với đồng bào DTTS dựa trên các “tiểu dự án” khuyến nông có thời gian đủ dài (2-3 năm liên tục), được tổ chức phù hợp với điều kiện đặc thù và tập quán sản xuất, tri thức bản địa, ngôn ngữ và văn hóa tộc người ở từng thôn bản. Thể chế hóa các phương pháp “lớp học hiện trường – FFS” và “khuyến nông theo nhóm hộ tự quản”.
Chúng tôi cũng khuyến nghị đổi mới chính sách nhân rộng mô hình khuyến nông, dựa trên đánh giá toàn diện (về hiệu quả, phương pháp, quy trình, tính phù hợp, các điều kiện và kênh nhân rộng), nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nhân rộng (thông tin, tuyên truyền, hội nghị đầu bờ, giống, vật tư thiết yếu, hợp tác và liên kết sản xuất, người tiên phong, kênh lan tỏa nông dân – nông dân, tiếp cận vốn và thị trường).
Ngoài ra, chúng tôi cũng có một số khuyến nghị quan trọng khác. Trong hoạt động đối thoại chính sách có sự tham gia của lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác; lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 3.2.2015 tại Hà Nội, chúng tôi sẽ nêu kỹ hơn về vấn đề này.
Xin cảm ơn bà!