Lớp học trong chùa Ông Mẹt
Những ngày giáp tết, chúng tôi có dịp đến thăm Trường Trung cấp Pali – Khmer tỉnh Trà Vinh, nằm ở phường 1, TP.Trà Vinh. Điều gây ấn tượng đối với chúng tôi là trường này hiện đang nằm trong ngôi chùa Komphong (hay còn gọi là chùa Ông Mẹt) – di tích kiến trúc cấp quốc gia. Ông Lâm Sa Ron - Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali – Khmer tỉnh Trà Vinh cho biết: “Sở dĩ chúng tôi dạy trong chùa là do mới thành lập từ tháng 7.2014, tỉnh chưa kịp cấp đất, xây trường nên chúng tôi mượn đỡ vài phòng nơi đây để dạy”.
Tại lớp học môn dịch thuật Pali sang Khmer do thầy Kim Say giảng dạy, chúng tôi thấy thầy trò rất miệt mài trong giờ học. Thầy Kim Say cho biết: “Trường thành lập từ tháng 7 nhưng bắt đầu giảng dạy từ tháng 8 vì có một tháng để tuyển sinh. Tuy trong thời gian ngắn nhưng trường cũng tuyển được 31 người, thành lập được 1 lớp. Các học viên tham gia học rất tốt, cụ thể là ở việc tiếp thu ở lớp và chuẩn bị cho ngày học sau. Vì vậy, tiến trình giảng dạy theo giáo án được thuận lợi nhiều”.
Được biết, các học viên đến đây học phải là tăng sinh, học sinh người dân tộc Khmer. Để dự tuyển vào trường, học viên phải có bằng tốt nghiệp sơ cấp Pali – Khmer và chứng nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (kể cả bổ túc văn hóa). Được nhận vào học, học viên sẽ được lo về nơi ở, sách vở…, sau 3 năm học ra trường có thể đăng ký thi vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài nước. Riêng về giáo viên được trường tuyển chọn từ những giáo viên giỏi, có quá trình giảng dạy tốt, có nhiều kinh nghiệm và phải được sự giới thiệu của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh.
Tiếp tục mở rộng quy mô
Ông Bùi Thiết Côn - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh cho biết: “Giai đoạn 2014 -2017, Trường Trung cấp Pali – Khmer tỉnh Trà Vinh sẽ mở 6 lớp học với 240 học viên. Ở hệ giáo dục thường xuyên, trường sẽ dạy đủ các môn như các trường giáo dục thường xuyên khác nhưng có thêm môn Anh văn và Tin học. Còn ở hệ Trung cấp Pali – Khmer sẽ được dạy ở các môn như Phật pháp căn bản, văn phạm Pali, dịch thuật Pali sang Khmer, văn phạm Khmer, văn học Khmer, tập làm văn – thơ Khmer… Ngoài chương trình học chính thức, nhà trường còn mời đại diện các cơ quan có liên quan đến thông tin tình hình thời sự, chính trị hoặc giáo dục truyền thống, ý nghĩa lịch sử các ngày lễ trong năm, đặc biệt là phổ biến về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.