1. Vì “Thực hành kĩ năng sống”, thời gian “chơi” của các em đã hết thì bây giờ hết hẳn...
Hiện nay, đa số học sinh tiểu học nước ta được học 2 buổi/ngày. Vậy là mỗi tuần các em có 35 tiết học. Trừ đi 25 tiết theo quy định của Bộ GD-ĐT thì các em HS lớp 1 còn 12 tiết buổi học thứ 2. Ở các khối lớp khác, các em còn 10 tiết buổi học thứ 2. Tưởng như vậy thì thời gian cho buổi học thứ 2 là “mênh mông”. Thực ra không phải như vậy.
Như vậy là còn lại 3 tiết. Nếu 3 tiết đó mà để cho HS vui chơi, giao lưu, hoạt động tập thể để mà giáo dục thể chất, thẩm mĩ, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước thì hay biết mấy. Vậy mà đâu còn ...
- Để tìm hiểu về an toàn giao thông, mỗi năm các em phải học 8 bài theo tài liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
- Để củng cố và nâng cao kiến thức chính khóa, mỗi tuần các em phải học 1-2 tiết bổ sung (Toán và tiếng Việt).
Năm 2013, NXBGD Việt Nam xuất bản cuốn “Thực hành kĩ năng sống” cho tất cả các khối lớp ở Tiểu học. Mỗi cuốn sách đó có 15 bài. Mỗi bài này phải dạy 2 tiết mới hết. Vậy là các em chẳng còn thời gian để mà vui chơi.
Trước đây, khi bắt đầu triển khai học 2 buổi/ngày cho HS tiểu học, các phụ huynh rất mừng vì từ nay các con mình được đến trường học vừa học tập, vừa vui chơi với nhiều hoạt động lí thú (theo đúng phương châm: chơi mà học, học mà vui). Vậy mà nay không được thế.
2. “Thực hành kĩ năng sống” nghiễm nhiên trở thành một môn học.
Như trên đã nói, mỗi cuốn “Thực hành kĩ năng sống” có 15 bài. Mỗi bài ít nhất 4 trang, đa số các bài được trình bày từ 5 đến 7 trang, có bài tới 9 trang (hầu hết SGK các môn học ở Tiểu học mỗi bài được trình bày không quá 2 trang.) Mỗi bài học khoảng 7-10 bài tập hoặc yêu cầu tương đương bài tập. Lượng kiến thức đó phải giải quyết trong 2 tiết một cách vất vả mới xong.
NXBGD đã in sách; Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo dục kĩ năng sống (Nhưng không khuyến khích cách dạy nhồi sọ); các cấp quản lí giáo dục địa phương cũng khuyến khích giáo dục kĩ năng sống; các nhà trường mua sách về theo đầu HS.
Đã mua sách về thì phải dạy. Vậy là 15 bài “Thực hành kĩ năng sống” chiếm 30 tiết/35 tuần của một năm học. Với thời lượng như vậy, “Thực hành kĩ năng sống” nghiễm nhiên trở thành một môn học. Và thời gian hoạt động ngoài giờ của HS... đã hết!
3. Dạy theo tài liệu “Thực hành kĩ năng sống”, HS quá tải về lí thuyết
HS lớp 1 chưa biết đọc đã phải làm quá nhiều bài tập:
Mở ra bài đầu tiên của lớp 1, sách “Thực hành kĩ năng sống 1” dạy HS “Hòa nhập môi trường mới” bằng 8 yêu cầu (bài tập) lớn nhỏ.
Bài tập đầu tiên là yêu cầu các em vẽ ước mơ của mình. Bài tập này thì được nhưng tất cả các bài tập sau rất nhiều chữ. Điều đáng nói là các em lớp 1 lúc này chưa biết đọc mà đã phải làm sao cho hiểu các lệnh dưới mỗi hình ảnh. Các sách bài tập cho lớp 1 trong chính khóa, các nhà biên soạn rất hạn chế sử dụng kênh chữ trên mỗi bài tập ở những tuần đầu.
Bài “Hòa nhập môi trường mới” của sách “Thực hành kĩ năng sống 1” được trình bày trên 5 trang. Trong quá trình hoàn thành 8 yêu cầu và bài tập trên 5 trang đó, các em phải hát ba lần với ba bài hát khác nhau. Bài hát thứ nhất là bài “Em yêu trường em” của Hoàng Vân. Bài hát thứ hai là “Tạm biệt búp bê” của Hoàng Thông. Bài hát thứ ba là bài “Làm quen”với yêu cầu Em và các bạn trong lớp cầm tay nhau cùng hát. Bài “làm quen” ở đây gồm 12 câu với... 108 chữ.
Vậy thì để thuộc bài hát này cũng đã đủ nhọc rồi chứ còn thời gian đâu mà “cầm tay nhau cùng hát”.
HS lớp 2 mà đã phải tiếp thu quá nhiều “bài học” trong một bài học:
Bài tập 3 trang 56 yêu cầu HS đánh dấu x vào ô trống trước các từ chỉ giác quan là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Khổ thân các em vì các em đã biết khứu giác, xúc giác , ... là cái gì đâu.
Về sách “Thực hành kĩ năng sống” lớp 2 cần nói thêm chi tiết nữa: Bài tập ở mục c Ý nghĩa trang 58 có 4 yêu cầu như sau:
1. Kể tên 5 người bạn trong lớp em.
2. Kể tên 5 người thân trong gia đình em.
3. Kể tên 5 hoa hậu thế giới trong 5 năm vừa qua.
4. Kể tên 5 người đoạt giải Nô-ben năm 2012.
Lớp 2 mà làm được bài tập đó thì giỏi quá trời !
HS lớp 3 sao đã học “Tổng quan cấu trúc bài thuyết trình”?
Bài 9 “Thực hành kĩ năng sống 3” có tên “Tổng quan cấu trúc bài thuyết trình”. Nếu không nhìn thấy người mà chỉ nghe nói “Hôm nay cháu học bài Tổng quan cấu trúc bài thuyết trình” thì cứ tưởng rằng “cháu” ở đây phải là học sinh trung học hay sinh viên đại học. Vậy mà cháu lại chỉ là “học sinh lớp 3”.
Bài học này được trình bày tới hơn ... 8 trang sách (Từ trang 45 đến trang 53). Nội dung bài yêu cầu HS phải hiểu tầm quan trọng của một cấu trúc hoàn chỉnh (giống như ngôi nhà). Sau đó, HS thấy rằng bài thuyết trình cũng vậy. Phải có đủ mở bài, thân bài, kết luận.
Sang phần thực hành, sách yêu cầu HS làm rất nhiều bài tập và những bài tập này HS lớp 3 không thể làm được. Chẳng hạn:
- Em viết ra mở bài cho phần thuyết trình mà em lựa chọn.
- Em trình bày phần thân bài của một chủ đề bất kì mà em lựa chọn.
- Phân tích phần kết bài sau .............................................
HS lớp 4 sao đã học “Hai bán cầu não” ?
Bài 9 “Thực hành kĩ năng sống 4” là “Hai bán cầu não”. Lâu ngày rồi thì các giáo viên có thể đã quen hoặc không thèm bực dọc nữa chứ lần đầu soạn để dạy bài này, các thầy cô cứ “giật mình” vì con em mình bây giờ học “sâu quá”.
Bài này gồm 6 trang sách. Qua thao tác với nhiều bài tập, HS phải hiểu rằng: Não người gồm hai bộ phận: Bán cầu não trái và bán cầu não phải. Bán cầu não trái có chức năng là ... Bán cầu não phải có chức năng là ...
Dạy đến bài này, các thầy cô Tiểu học tưởng như mình đang được dạy môn Sinh học của THCS ... chứ đâu phải dạy “cách sống” cho học trò.
HS lớp 5 sao đã phân tích chữ Hán?
Các thầy cô phản ánh nhiều về “Thực hành kĩ năng sống 5”. Thôi, nói ra thì dài, tôi chỉ chú ý hai bài. Đó là bài 1 “Lắng nghe và nghe thấy” có chữ Hán và bài 8 “Loại hình thông minh” với độ dài 9 trang.
Bài 1 “Lắng nghe và nghe thấy” có hai mục tiêu là phân biệt lắng nghe với nghe thấy và lắng nghe sao cho có hiệu quả hơn. Chỉ để HS hiểu tại sao gọi là “thính” mà sách phải in và phân tích chữ “thính” Hán tự gồm 5 bộ chữ ghép lại. 5 bộ đó là các chữ nhĩ, vương, nhãn, nhất, tâm. Sau đó, sách lại chỉ ra nghĩa của từng chữ Hán trong 5 bộ đó. Sách viết vậy thì không sai, nhưng HS lớp 5 mà phải tiếp thu những cái đó thì thương các em quá.
Mở tiếp đến trang 46 “Thực hành kĩ năng sống 5” ta gặp bài 8 “Loại hình thông minh”. Tôi chưa thấy một bài học nào ở tiểu học dài như vậy, những 9 trang sách. Trong 9 trang đó, HS phải nắm được “Bài học” là “Thế giới đã chứng minh hằng năm có 30% số người có chỉ số IQ thấp hơn mức trung bình mà vẫn gặt hái được những thành công vượt trội.....năm 1988, Giáo sư Ho-oát Ga-đờ và nhóm cộng sự đã đặt ra lí thuyết về “đa thông minh” ... đến năm 1999, Ho-oát Ga-đờ chia thông minh làm 9 loại...”
Phần kiến thức cần biết có nhan đề là “Bài học” rất dài, tổng cộng hai chỗ đóng khung gần 200 chữ. Và tiếp sau đó, HS phải nắm được 9 loại thông minh là: Thông minh không gian, thông minh nội tâm, thông minh lô-gic, thông minh tâm linh, ...
Tiếp theo nữa, HS phải “thử” với 9 bài tập để xem mình thuộc loại thông minh nào.
***
Không phải là cố tình “tìm sạn”, nhưng sách “Thực hành kĩ năng sống” dành cho tiểu học có rất nhiều điều đáng nói. Tôi chỉ minh chứng mỗi cuốn một bài để bạn đọc thấy đây là những cuốn sách dạy nhiều về lí thuyết chứ không phải để thực hành cách sống cho HS.
Nhìn vào chương trình các môn học Tiểu học hiện nay, chúng ta nhận ra rằng: “Chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, coi nhẹ vận dụng kiến thức; ... Giáo dục nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, ...Chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Chúng ta chưa chú ý đến việc giúp học sinh hình thành các kỹ năng mềm; dạy quá nặng về lý thuyết...” Quả đúng vậy, tài liệu để dạy “Kĩ năng sống” cho HS mà còn chẳng thiên về thực hành, kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc thì những sách khác chỉ chú trọng đến kiến thức môn học là lẽ đương nhiên.