Cuộc săn lùng biệt dược phòng the
Anh Chảo Sư Phán, dân tộc Dao ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là một trong những tay buôn bán "thần dược" có tiếng. Theo tiết lộ của anh Phán, hiện nay, trên thị trường, người dân nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đang lùng sục khắp đồng rừng để tìm loại thần dược hình “của quý”.
"Người dân đặt tên là nấm ngọc cẩu (do có hình dạng giống "của quý" của con chó). Thế nhưng, tên chính của nó là nấm “tan cửa nát nhà”, anh Phán nói. Anh Phán cho rằng, sở dĩ loại nấm này có tên gọi là nấm “tan cửa nát nhà” vì nó xuất phát từ huyền thoại về người Cờ Lao, bên kia đỉnh Tây Côn Lĩnh. Chuyện rằng, ngày xưa núi Tây Côn Lĩnh cao chọc trời là nơi giao lưu giữa người trần và thần tiên. Các tiên nữ xuống giao lưu đã gặp các chàng trai Cờ Lao trẻ đẹp nên say đắm.
Họ bí mật hẹn hò với nhau. Các chàng thanh niên làng chìm đắm vào tình yêu mê muội, bỏ vợ, bỏ con quấn quýt bên tiên nữ. Trong số đó, có chàng trai tên là Chảo Mìn Sư. Sau một thời gian chìm đắm trong tình ái, anh sực tỉnh, nhận ra rằng, việc yêu đương các tiên nữ sẽ làm tan nát hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, anh đã quyết định dùng dao cắt đứt "của quý" của mình, ném xuống núi. Thế rồi, các chàng trai địa phương cũng sực tỉnh ra, bấy lâu nay, mình đã gian díu với thần tiên, phản bội vợ con nên quyết định cắt bỏ "của quý" để đầu óc không mơ tưởng đến các nàng tiên nữa. Các nàng tiên thấy thế cũng rất đau lòng và tiếc nuối. Thế rồi, các nàng tiên đã biến những "của quý" của người yêu mình thành nấm, chôn vùi xuống đất để lưu giữ cho muôn đời sau. Cứ vào độ tháng 9, tháng 10, khi hội tụ đủ linh khí, nó sẽ mọc lên khỏi mặt đất.
Theo anh Phán, nấm "tan cửa nát nhà" là loại thảo dược nửa nấm nửa cây, phần thân thì mọc chìm dưới đất, phần nấm thì trồi lên. Nấm có màu nâu đỏ, cánh hoa to quyện vào nhau, mang hoa dày đặc, bao bọc bởi mo màu tím. Chỉ cần đến gần loại nấm này, ai cũng có thể cảm nhận được mùi thơm đặc trưng. Khi bổ đôi nấm, sẽ thấy bên trong chứa đầy tinh bột, đó chính là các chất tinh túy nhất của loại nấm này. "Nấm tan cửa nát nhà" chủ yếu mọc ký sinh trên những rễ cây gỗ lớn, chìm dưới lòng đất, trong bóng tối, dưới lùm cây bụi ở các dãy núi cao trên 1.000m. Cây nấm nào mọc càng cao thì giá trị dược liệu càng lớn. Vòng đời của nấm chỉ kéo dài trong khoảng vài ba tháng. Nấm bắt đầu mọc tháng 9, đến tháng 11. Nấm già sẽ mọc hoa màu trắng rồi tàn lụi.
Khó phân biệt thật - giả
Lương y người dân tộc Sùng A Lùng (ở Hà Giang) giải thích: “Nấm “tan cửa nát nhà” được mệnh danh là "biệt dược phòng the". Các thầy lang và lương y thường dùng nấm để làm các bài thuốc bổ thận, di tinh, liệt dương, các triệu chứng rối loạn chức năng sinh lý".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân tộc Dao ở Hà Giang thường dùng nấm để chữa hậu sản. Quan niệm dân gian, người phụ nữ mới sinh sẽ bị kiệt sức, dùng nấm cho vào đun với nước, uống sẽ bồi bổ cơ thể và hồi sức rất nhanh. Đối với trường hợp người phụ nữ có tuổi, chức năng sinh lý giảm, dùng nấm này giúp họ hồi xuân, tăng cường hưng phấn. Người dân địa phương lý giải rằng, nấm có những chất làm tăng nội tiết sinh lý, khơi dậy ham muốn. Ngoài ra, người dân địa phương còn cho rằng, tinh bột của nấm được coi như tế bào gốc, được các thiếu nữ dân tộc dùng để trị nám da, tàn nhang. Đối với các quý ông, loại nấm này sẽ có tác dụng bổ dương rất mạnh, giúp tăng cường ham muốn, kéo dài sự dẻo dai. Dân làng cho rằng, chỉ cần dùng loại nấm này thường xuyên thì ngay cả những trường hợp đàn ông bị đuối sinh lý cũng sẽ khỏe lại bình thường? Hiệu quả nhất là dùng nấm để nấu với các loại pín dê, pín bò, pín cầy...
Được biết, ngoài việc dùng nấm như biệt dược phòng the, người dân địa phương cũng dùng một lượng nhỏ thay nước uống hàng ngày để phòng bệnh. Họ cho rằng, các tinh chất trong nấm sẽ có tác dụng thanh lọc cơ thể, thải độc tố và ngăn chặn sự phát triển của các khối u trong cơ thể. Nước thuốc từ loại nấm này có màu nâu thẫm, vị chát, mùi đặc trưng nhưng khi ai đã dùng quen thì cảm thấy nghiện. Được biết, hiện nay loại nấm quý này đang bị săn lùng dẫn đến cạn kiệt. Trước đây, nấm mọc rất nhiều ở các đỉnh núi cao thuộc tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, người dân săn lùng để bán cho thương lái Trung Quốc nên nấm dần bị biến mất.
Phóng viên khảo sát thực tế thị trường, phát hiện vẫn có khá nhiều loại nấm này bán. Tuy nhiên, các cây nấm này chủ yếu mọc dưới độ cao thấp hơn 1.000m nên giá trị dược liệu không cao. Giá bán của mỗi cân nấm tươi từ 200.000 - 400.000 đồng (tùy thời vụ); loại khô có giá hàng triệu đồng. Được biết, hiện nay, các nhà thuốc đông y và các cơ sở chế xuất thảo dược vẫn lùng sục khắp nơi tìm nấm về làm thuốc và chế biến thành các loại thảo dược.
Theo những người có kinh nghiệm về dược liệu quý, sẽ rất khó để phát hiện đâu là nấm chất lượng và kém chất lượng. Nấm chất lượng, không có giá vài trăm ngàn đồng/kg. Có những đại gia sẵn sàng chi vài chục triệu đồng để thuê người dân đi lên các dãy núi Hoàng Liên Sơn, đỉnh Tây Côn Lĩnh săn lùng nấm "tan cửa nát nhà".