Bùng phát mạnh
Bệnh nhi nhiễm bệnh tay chân miệng chờ khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2. |
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, vừa có thêm 3 trẻ tử vong vì bệnh TCM trong tháng 5. Kể từ đầu năm 2011, số ca tử vong do bệnh đã lên đến con số 9. Tại phòng cấp cứu hồi sức Bệnh viện Nhi đồng 1 có hơn 100 trẻ đang điều trị TCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 có hơn 50 em. Nhiều trường hợp biến chứng nặng đang trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, các phòng bệnh đã trở nên quá tải do số lượng trẻ nhập viện không ngừng tăng lên. Hiện bệnh viện chỉ có thể tiếp nhận điều trị bệnh nhi ở thể nặng, trường hợp nhẹ phải điều trị tại nhà. Hai bệnh nhân cùng nằm chung một giường khiến việc chăm sóc y tế hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng nhận định thời tiết nắng nóng bất thường, thói quen sinh hoạt không phù hợp vệ sinh của người lớn là nguyên nhân chính khiến bệnh lây lan nhanh. Còn theo bác sĩ Trần Thị Thúy - Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, trong những năm trước, tháng 5 luôn là thời điểm bệnh bùng phát mạnh nhất. Năm nay dịch bùng phát sớm, đỉnh dịch có thể kéo dài đến cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Thiếu hiểu biết trong phòng bệnh
Những biểu hiện ban đầu của TCM như sốt, biếng ăn, bỏ ăn, nổi nốt hồng, bóng nước khiến nhiều phụ huynh chủ quan, nhầm lẫn với bệnh sốt thông thường. Nhiều trường hợp khi đến bệnh viện đã có biến chứng nặng như giật mình liên tục, đi đứng loạng choạng, trụy tim mạch dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Anh Nguyễn Tiến Công (phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, bé Nguyễn Tiến Đức, 2 tuổi, có biểu hiện bệnh trước đó 2 ngày nhưng gia đình chỉ cho uống thuốc hạ sốt tại nhà. Khi đưa vào bệnh viện các bác sĩ lập tức chuyển vào phòng cấp cứu do có biến chứng nặng.
Theo bác sĩ Thọ, bệnh TCM nguy hiểm nhưng việc chữa trị khá dễ nếu được phát hiện sớm. 9 trường hợp tử vong thời gian qua do phát hiện bệnh muộn, biến chứng quá nặng nên dù rất cố gắng các bác sĩ cũng đành bó tay.
“Số ca mắc TCM không những xảy ra ở khu vực gia đình mà còn ở khu vực trường mầm non, nhóm trẻ công lập, dân lập. Do đó cần tập huấn giúp giáo viên, bảo mẫu tại các trường mầm non có những kiến thức cơ bản về bệnh TCM” - bác sĩ Thọ nói.
Theo chỉ đạo từ Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng vừa soạn thảo cẩm nang phòng chống TCM để phát về cho các trường học, nhóm trẻ, phụ huynh để nâng cao hiểu biết về bệnh. Từ đầu tháng 5 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mở 9 lớp tư vấn TCM cho phụ huynh, giáo viên các trường mầm non, nhóm trẻ.
Bác sĩ Trần Thị Thúy cảnh báo, tình hình bệnh CTM vẫn sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Phụ huynh cần tăng cường sát khuẩn tại nhà, trường học bằng cloramin B, tránh để dịch bệnh lây lan.
Đình Thức