Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, do các quy định về chất lượng không rõ ràng nên cơ quan này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc phân biệt giữa các loại muối.
Quy định đá nhau
Cụ thể, theo quy định được ban hành tại Thông tư 34: Tất cả các lô hàng muối nhập khẩu về đến hải quan đều được kiểm tra, đánh giá về chất lượng. Khi nào cơ quan kiểm tra có “thông báo kết quả kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu” xác nhận lô hàng đáp ứng yêu cầu chất lượng muối và cơ quan hải quan thông quan trên tờ khai hàng hóa thì doanh nghiệp (DN) mới được phép đưa muối vào sản xuất hoặc lưu thông trên thị trường.
Theo ông Lê Quốc Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), phần thiếu hụt sẽ chủ yếu là loại muối công nghiệp. Như vậy, muối nhập sẽ vẫn cứ phải nhập đều đặn hàng năm, cho dù muối trong nước không biết tiêu thụ đi đâu.
Nhập nhèm giữa các loại muối
Lo lắng muối nhập lại tiếp tục “giết chết” muối nội càng nhân lên khi mới đây, hải quan nhiều địa phương phản ánh về vướng mắc phân biệt mặt hàng muối nhập khẩu. Theo phản ánh của hải quan một số tỉnh, thành phố, thời gian qua các đơn vị này gặp vướng mắc trong việc phân loại mặt hàng muối nhập khẩu như muối ăn, muối tinh và muối công nghiệp.
Cụ thể, đối với mặt hàng muối tinh khiết, cơ quan hải quan cho rằng, theo quy định mặt hàng muối natri clorua (NaCl) phải đảm bảo hàm lượng 99,9% dạng tinh thể, màu trắng, hàm lượng ẩm là 0%, hàm lượng chất không tan xấp xỉ 0,01%... Tuy nhiên, nếu căn cứ theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (TCVN) 9639:2013 về muối tinh và TCVN 3947:2007 về muối thực phẩm (muối ăn), mặt hàng nêu trên vừa là muối tinh và vừa là muối ăn.
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 60 năm 2011 của Bộ NNPTNT, định nghĩa muối tinh khiết là “muối được chế biến từ nguyên liệu muối thô theo phương pháp nghiền rửa hoặc tái kết tinh hoặc kết tinh trong chân không, được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, y tế, xử lý nước và tiêu dùng ăn trực tiếp”. Như vậy, nếu theo định nghĩa này thì muối tinh khiết cũng là muối ăn.
Tương tự, mặt hàng muối công nghiệp cũng trong tình trạng này. Theo phân tích của cơ quan hải quan, mặt hàng “muối natri clorua hàm lượng xấp xỉ 98,6% tính theo trọng lượng thô, dạng hạt, màu trắng ánh xám. Hàm lượng ẩm là 2,4%, hàm lượng chất không tan xấp xỉ 0,02%...”. Mặt hàng này được DN khai báo là muối công nghiệp. Còn căn cứ theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (TCVN) 3947:2007 về muối thực phẩm (muối ăn) và TCVN 9640:2013 thì mặt hàng nêu trên vừa là muối thực phẩm và vừa là muối công nghiệp.
Nhưng cũng theo quy định tại Điều 4 Thông tư 60 của Bộ NNPTNT, định nghĩa muối công nghiệp là “muối thô sản xuất trên đồng muối hoặc khai thác từ mỏ muối được sơ chế để loại bớt tạp chất, có hàm lượng NaCl cao, được sử dụng trong ngành công nghiệp hóa chất và làm nguyên liệu để chế biến muối ăn, muối tinh khiết”.
Như vậy, nếu theo định nghĩa này và các tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam nêu trên thì mặt hàng muối nếu đáp ứng tiêu chuẩn của muối ăn thì cũng đáp ứng tiêu chuẩn của muối công nghiệp.
Theo chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng, việc siết nhập khẩu muối là hoàn toàn có lý vì cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tìm cách nhập khẩu muối công nghiệp giá rẻ về để bán ra thị trường hưởng chênh lệch, khiến nhu cầu muối trong nước cao hơn cung nhưng muối nội vẫn ứ đọng, thu nhập của diêm dân vì thế rất thấp.