Dân Việt

“Cuộc chiến” giữ ngao ở Thụy Hải

19/05/2011 20:21 GMT+7
(Dân Việt) - Không có ruộng, người dân xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình phải bám vào bãi ngao để sinh sống. Mấy năm gần đây, ngao được giá, người dân xã Thụy Lương và các xã lân cận sang "ăn hôi".

Bức xúc vì phải xẻ "bát cơm", cuộc chiến đã nổ ra.

Sống nhờ… biển

img

Cào ngao mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng.

Với lợi thế có gần 4km bãi biển, có 1.255ha diện tích mặt nước, năm 2010 tổng doanh thu từ thuỷ sản của xã Thụy Hải khoảng 44 tỷ đồng. Trong đó, khai thác ngao tự nhiên ven bờ đạt 2.000 tấn/năm, thu gần 10 tỷ đồng. Sản lượng đánh bắt xa bờ khoảng 1.000 tấn, thu 15 tỷ đồng...

Chị Lê Thị Hồng, xã Thụy Vinh cho biết: "Những hộ có vốn thì đóng tàu, thuyền đi biển, còn lại đa số đều phải sống nhờ vào nghề cào ngao ven bờ. Cào từ 6 giờ sáng đến khoảng 3 giờ chiều được 5-6kg ngao, bán 20.000 - 25.000 đồng/kg, tôi cũng kiếm được trên dưới 100.000 đồng/ngày, nếu không thì vào rừng vẹt, sú bắt tôm, cua cũng đủ ăn".

Người dân Thụy Hải được hưởng "lộc giời", nhờ những năm 90 thế kỷ 20, vùng biển này đã được trồng khoảng 600ha vẹt, sú để chắn sóng. Vẹt, sú lớn thành rừng trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của ngao, tôm, cua… Nay "lộc giời" đang bị người dân các xã khác sang khai thác, nên cuộc chiến giữ bãi ngao đã nổ ra.

Có ruộng không được cào ngao

Xã Thụy Hải có 1.280 hộ, 5.320 nhân khẩu, do là xã ven biển bị nước mặn xâm nhập, nên 100% hộ không có một tấc đất cấy lúa, mà sống chủ yếu bằng nghề khai thác và chế biến thuỷ sản.

Bám theo đoàn người tay cầm xô, cào, đòn gánh… đang tiến về bãi biển Thụy Hải, trước mắt tôi cả một bãi biển rộng mênh mông đâu đâu cũng thấy người cào ngao, đủ các lứa tuổi. Người dùng bay thợ xây đào, người dùng cào bới, những khuôn mặt đen đúa, bết đầy bùn đất cặm cụi cào từng con ngao một cho đến khi thuỷ triều lên mới về.

Thấy đoàn người ở xã Thụy Lương và một số xã khác đến, tốp người xã Thụy Hải đang cào ngao bỗng đứng hết dậy, tay cầm gậy gộc, đòn gánh tiến về phía đoàn "người lạ". Một lúc sau đã có gần trăm người tập hợp, tiếng hô chát chúa: "Đứa nào dám xuống cào ngao đập què chân nó đi"… Và cuộc khẩu chiến, rồi ẩu đả xảy ra.

Ông Trịnh Đình Sơn, xóm 4, xã Thụy Hải căng thẳng: "Chúng tôi không có ruộng, nên mới phải bám vào bãi ngao này, các xã khác đều có ruộng sao còn đến "ăn cướp" của chúng tôi. Không đuổi họ đi chúng tôi lấy gì mà ăn? Ai có ruộng thì không được cào ngao". Nghe vậy, chị Hoàng Thị Mai, xã Thụy Lương lý lẽ: "Bãi biển là của chung, ngao là của tự nhiên ai có sức thì cào!".

Chính quyền lúng túng

Trước kia người dân Thụy Hải đánh bắt được tôm, cua, ngao… đều đem lên chợ Gú (xã Thụy Lương) để bán. Để "trả đũa", người dân xã Thụy Lương cũng "ban lệnh cấm" người dân xã Thụy Hải đem tôm, cua, ngao bán ở chợ này. Sau khi đã "ký" lệnh, nếu ai "vi phạm" sẽ bị "xử" bằng cách đổ tất hàng xuống… sông. Mặc dù chưa có vụ đổ tôm, cua, ngao nào xuống sông, nhưng xô xát ở bãi ngao và chợ Gú xảy ra thường xuyên, làm mất an ninh trật tự và gây mâu thuẫn giữa 2 xã.

Ông Lê Ngọc Tài - Chủ tịch UBND xã Thụy Lương xác nhận: "Sự việc trên là có thật. Chúng tôi đã tuyên truyền người dân không được cấm chợ, nhưng bà con xã Thụy Hải vẫn "cấm" bãi ngao. Chúng tôi không thể "cấm" họ không đi cào ngao được".

Về việc này, ông Nguyễn Công Nhần - Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho rằng: "Người dân tự ý cấm bãi ngao là sai. Nhưng vì không có ruộng, thấy người khác "xí phần" họ phản ứng cũng là điều dễ hiểu! Chúng tôi đã đề nghị với huyện khoanh khu bãi này để nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, đây là rừng chắn sóng bảo vệ đê, nên huyện chưa đồng ý. Theo tôi, Nhà nước nên giao bãi ngao này cho một xã quản lý, khai thác mới giải quyết được tình trạng tranh giành này".