Dân Việt

Các nhóm nhạc Hàn không còn “mặn mà” với thị trường Nhật

Thanh Tuấn 06/02/2015 06:00 GMT+7
Người Nhật ngày càng lo sợ trước sự xâm lăng văn hóa ồ ạt từ Hàn khiến việc "xuất khẩu" thần tượng Kpop sang đất nước mặt trời mọc ngày càng khó khăn hơn.

Cách đây khoảng 5 năm, hàng loạt nhóm nhạc thần tượng hàng đầu Kpop rầm rộ lấn sân thị trường âm nhạc khó tính nhất châu Á – Nhật Bản. Mở đầu cho trào lưu “Nhật tiến” này là công chúa nhạc Pop BoA, rồi tới “những vị thần Phương Đông” TVXQ. 

Sứ mệnh mở đường tại thị trường khó tính nhất châu Á

Khi đó, việc rời quê nhà để tấn công một thị trường âm nhạc nước ngoài là điều khá mạo hiểm cho các thần tượng Hàn. Chính ông trùm Lee Soo Man của SM Entertainment cũng đã từng thừa nhận, việc đưa BoA sang Nhật là một ván cược may rủi.

img

BoA...

Cả các nghệ sĩ và công ty quản lý hồi đó đã phải tập trung rất kỹ để tìm hiểu thị hiếu khán giả đất nước mặt trời mọc này. Rất nhiều cuộc khảo sát được tạo ra nhằm định hướng con đường mà họ sẽ đi. Thậm chí, 5 anh chàng TVXQ đã phải tạm dừng các hoạt động trong hơn nửa năm để học tiếng Nhật giúp cho việc tiếp cận với fan hâm mộ sau này dễ dàng hơn.

img

...hay TVXQ là những nghệ sĩ mở đường cho làn sóng "Nhật tiến".

Chính thành công của lứa thần tượng đi đầu này đã chứng minh tầm “nhìn ra trông rộng” của ông lớn SM vào thời điểm đó. Liên tiếp những giải thưởng, kỷ lục được tạo ra cho thấy làn sóng Hallyu đã thực sự phủ sóng khắp Nhật Bản. Điển hình là việc TVXQ đặt được chân tới “thánh địa Tokyo Dome” năm 2009 cùng hơn 50,000 fan hâm mộ tại đây đã khiến cả dư luận Nhật giật mình về sức hút đến từ xứ củ sâm này.

img

2NE1 chăm chỉ tham gia  show truyền hình Nhật.

Các công ty giải trí Hàn Quốc sau đó đã nhận ra mảnh đất béo bở mới này, từ JYP, YG cho tới STARSHIP Entertainment đều nhanh chóng đề ra các phương án “Nhật tiến” cho gà của mình. Nhờ sự mở đường không thể thuận lợi hơn từ TVXQ hay BoA mà người Nhật đã dần quen với việc một nghệ sĩ Hàn hoạt động tại đất nước họ. 

img

Chảo lửa Tokyo Dome năm 2009 khiến dư luận Nhật giật mình.

Những nhóm nhạc ít nhiều tạo được dấu ấn tại làng giải trí Jbiz mấy năm trở lại đây có thể kể tới như SNSD, Kara, T-ara hay những cô nàng cá tính 2NE1. Giờ đây, mỗi khi cho ra mắt một sản phẩm âm nhạc mới, ngoài phiên bản chính thống phát hành tại quê nhà, hầu hết các nhóm nhạc thần tượng đều cho ra thêm một phiên bản tiếng Nhật nữa, nhóm nào chịu chơi hơn thì đầu tư cả một MV mới để phát hành riêng tại thị trường này.

Người Nhật lo sợ trước cơn bão "xâm lăng" văn hóa

Một năm trở lại đây, cơn sốt thần tượng Hàn Quốc đang dần bão hòa tại châu Á. Nhật cũng không ngoại lệ, khán giả tại đây đã bắt đầu cảm thấy “nhàm” với rừng trai xinh, gái đẹp từ làng giải trí Kpop kéo sang đông như quân nguyên.

Thời gian dài chinh chiến ở Nhật của các nhóm nhạc thần tượng Hàn cũng đã giúp những công ty giải trí ở đây học tập được công nghệ đào tạo sao cùng phương thức quảng bá của nước bạn. Giờ đây, Jbiz cũng đã có thể cho ra mắt những nhóm nhạc thần tượng không khác gì Hàn Quốc khiến cuộc chính dành giật thị phần tại đây khó khăn hơn bao giờ hết.

img

Làn sóng Hallyu khiến người Nhật lo sợ.

Người Nhật rất yêu thần tượng, nhưng họ còn yêu nước hơn. Sau khi thông tin về doanh thu khủng của các công ty giải trí Hàn thu được tại đây được công bố hàng năm càng khiến người Nhật lo lắng. Họ cho rằng việc chi tiền để xem các buổi biểu diễn, mua đĩa nhạc của thần tượng Hàn Quốc là việc làm vô nghĩa, nặng nề hơn là phản bội lại quốc gia.

Bên cạnh đó, truyền thông Nhật Bản cũng từng cảnh báo về hậu quả của việc “xâm lăng về văn hóa” đến từ đất nước kim chi. Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những hội nhóm đòi tẩy chay thần tượng Hàn, đưa ra những nhận xét “dìm hàng” và thể hiện thái độ tiêu cực với những fan cuồng thứ “văn hóa ngoại lai” này.

img

Con đường Nhật tiến đang dần trở nên khó khăn.

Chính vì vậy , công cuộc “Nhật tiến” của sao Hàn ngày càng khó khăn hơn trước. Các công ty chủ quản cũng bắt đầu phải suy nghĩ lại khi để “gà cưng” của mình tiếp tục dấn thân vào con đường đang dần trở thành ngõ cụt.

Chuyển trục xuất khẩu thần tượng tới thị trường tiềm năng hơn

Ngay từ nửa cuối năm 2014, làn sóng xuất khẩu thần tượng Hàn Quốc dần chuyển hướng sang các thị trường khác tiềm năng hơn như Trung Quốc hay Mỹ. SM Entertainment lại một lần nữa cho thấy tầm nhìn của mình khi thực hiện việc đưa sao nhà đi chinh chiến tại đất nước tỷ dân này sớm nhất. 

img

Thị trường rộng lớn Trung Quốc hứa hẹn nhiều tiềm năm cho các sao Hàn.

Super Junior – M hay EXO – M được lập ra với mục đích thăm dò thị trường giải trí âm nhạc lớn nhất châu Á này. Trung Quốc và Hàn Quốc là hai đất nước có nhiều điểm tương đồng, cả với thị hiếu của khán giả. Vậy nên không khó để những ngôi sao này thâm nhập vào guồng quay làng giải trí Cbiz.

YG Entertainment cũng bắt đầu nhăm nhe đưa trưởng nhóm 2NE1 - CL “Mỹ tiến” trong thời gian tới. Những quốc gia Đông Nam Á từng bị bỏ qua như Thái Lan, Malay hay Việt Nam giờ cũng được xem xét một cách kỹ càng. 

img

CL và giấc mơ Mỹ.

Phải nói rằng cuộc tìm kiếm thị trường mới cho các thần tượng Hàn không hề dễ dàng chút nào. Thậm chí sự phát triển của nền công nghiệp giải trí tại chính quê nhà Hàn Quốc cũng đang đi theo chiều hướng âm vì vậy để tìm được hướng đi đúng trong thời buổi hiện nay đang là câu hỏi hóc búa cho các công ty đào tạo thần tượng.