Mới đây, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức kỳ thi sát hạch ông đồ. Kết quả cho thấy, 70% ông đồ tham gia sát hạch “trượt”.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Phạm Văn Ánh - nhà nghiên cứu Văn học và Hán Nôm, (Viện Văn học), thành viên Ban giám khảo.
TS Phạm Văn Ánh
Thưa ông, trong kỳ thi sát hạch ông đồ vừa qua có tới 70% số người tham gia trượt. Là một trong những thành viên tham gia thẩm duyệt khả năng của các ông đồ tại khu vực phía Bắc, ông đánh giá thế nào về con số này?
70% là kết quả của những ông đồ viết chữ Quốc ngữ còn những ông đồ viết chữ Hán chỉ thi đỗ 11%. Con số này vẫn trên tinh thần “cố vớt” bởi cứ đánh trượt hết lấy ai ra làm quan.
Ông đồ muốn cho chữ phải có hiểu biết về thư pháp
Trong số 31 ông đồ tham gia thi viết chữ Hán, có 3 người đỗ, 1 người đỗ vớt và đủ điều kiện vào Hồ Văn cho chữ vào dịp Tết Nguyên đán.
Những người tham gia sát hạch đừng gọi là ông đồ bởi họ không đủ khả năng. Ngay như bản thân tôi được đào tạo bài bản tại trường đại học và làm ở Viện nghiên cứu chuyên sâu về Hán Nôm mà trình độ Hán học vẫn rất hạn chế huống hồ là những người không được đào tạo.
Qua thực tế, chúng tôi rất thất vọng về những cây bút tham gia dự thi bởi trình độ Hán Nôm và thư pháp đều rất tệ hại. Nhưng trong một cuộc thi, chẳng nhẽ không một ai đỗ.
Như ông nói: “Trong cuộc thi nếu đánh trượt hết lấy ai ra làm quan”. Vậy tiêu chí Ban giám khảo đưa ra để chọn được ông đồ có năng lực là như thế nào, thưa ông?
Trước tiên các cây bút phải xác lập chữ Hán, hiểu câu đó nói gì để viết thành chữ bởi chữ Hán có rất nhiều từ đồng âm. Chẳng hạn chữ “tử” là “màu tía” mà ông đồ lại viết thành “chết” là hỏng.
Hơn nữa, cây bút viết phải chuẩn xác, sạch sẽ, ngay ngắn, không gợi cảm giác xấu xí, bệ rạc. Đấy là chúng tôi chưa yêu cầu cây bút phải viết ở mức thánh nhã, bay bổng.
Tóm lại, trong cuộc sát hạch này chúng tôi đòi hỏi các cây bút không cao. Tất cả các chữ đều dừng lại ở mức ngay ngắn, đúng chữ, sạch sẽ.
Một số chuyên gia cho rằng, chỉ sát hạch khả năng viết chữ chưa thể tìm được ông đồ tài giỏi mà phải dựa vào khả năng cảm thụ, thưa ông?
Ở cuộc thi này, xét về góc độ thư pháp, trên 90% cây bút còn chưa biết viết làm sao cảm thụ được chữ Hán.
Ví dụ: Chữ Nhất phải viết sao cho cạnh trên thẳng, cạnh dưới cong, hai đầu ở giữa bé. Ngoài ra, chữ này vừa phải trông thẳng mà không thẳng, cong mà không cong. Viết nét này đủ 8 bước, cây bút lông mềm. Tiêu chí đưa ra khắt khe, quy chuẩn vì được đúc kết hàng nghìn năm. Những cây bút không hiểu được cách thức lại càng không biết cảm thụ.
Có ý kiến cho rằng, các ông đồ thi sát hạch để được vào Văn Miếu viết chữ dịp Tết nhằm mục đích kiếm lời. Ông nghĩ sao?
Gần đây xã hội phải chấp nhận rằng, những người ra Văn Miếu viết chữ đại đa số phục vụ nhu cầu mưu sinh, kiếm tiền. Các cây bút muốn vào Văn Miếu cho chữ, thực chất là bán chữ. Tuy nhiên, nếu người bán không có chữ thì lấy đâu ra mà bán cho dân. Chữ không chân thực mà lại lấy ra bán khác nào lừa dân.
Trong khi đó người Việt Nam Tết đến thường xin chữ treo trong nhà cho ấm áp, bình an. Phố ông đồ thì tràn lan các ông đồ ngồi viết chữ xấu, chữ bẩn vẫn nhưng vẫn thu tiền là lừa đời, dối mình.
Ngoài ra, dân ta không biết chữ Hán, không phân biệt được nó đẹp hay xấu, nó quan cách hay bần tiện. Người dân chỉ tin rằng những người có chuyên môn là những ông đầu râu, tóc bạc. Tuy nhiên, không phải chữ đơn giản các cụ đã viết đúng. Có rất nhiều cụ tóc bạc, đầu râu viết chữ bẩn, chữ xấu như ngoáy cám.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tầm đón đợi của người dân. Thực tế, dân không biết chữ Hán. Họ không biết thế nào về xấu đẹp nên thường nhìn ông nào đầu bạc, tóc mồi là cao cường, khuấy bẩn là vui. Do đó, những ông đồ chưa sạch nước cản thì đừng khuấy bẩn.
Những năm sau Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nên tiếp tục tổ chức cuộc thi sát hạch ông đồ?
Tôi vẫn khuyến khích Ban tổ chức đưa ra cuộc thi sát hạch ông đồ bởi tôi hi vọng mỗi dịp Tết đến sẽ có những nhân tố mới xuất hiện.
Chúng tôi cũng mong các bút không ngừng học hỏi, trau dồi nâng cao trình độ của mình, để sau mỗi năm, chữ viết cũng có những cải thiện, tiến đến sự tao nhã, đáng ưa. Tuy nhiên, đối với những người không biết về chữ Hán thì đừng nên thi.
Dù sao cuộc sát hạch với các quy mô khác nhau cũng nên được tổ chức để đông đảo dân chúng biết đến có một thực trạng hàng loạt “ông đồ” không hiểu về thư pháp đang bán chữ cho dân.