Dân Việt

Vì sao có nhiều nghề lạ?

20/05/2011 14:26 GMT+7
(Dân Việt) - Hãy về một thôn, một ấp ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... nơi có những khu vườn mênh mông, những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Ấn tượng đầu tiên bạn thấy là gì? Đó là tuổi già! Và đặc biệt là vắng bóng thanh niên trí thức, chưa nói đến kỹ sư, bác sĩ, những cô cậu tú tài thi đỗ hay cả thi trượt cũng không mấy người chịu ở lại vùng quê chôn nhau cắt rốn thân yêu.

Họ đi đâu? Làm gì? Nơi đến thì đã rõ. Đó là những đô thị trong vùng hay xa tít mù khơi tận miền Bắc, miền Trung. Họ kiếm sống ở đây. Có nhiều cô gái, chàng trai chẳng những sống khỏe, mà còn có tiền gửi về cho bố mẹ xây nhà, mua sắm đồ đạc đắt tiền mà nếu không có tiền của họ thì không nhà nào dám mơ tới. Điều mù mờ, thậm chí bí hiểm đối với mọi người và ngay trong mỗi gia đình, là cái nghề họ làm để kiếm ra tiền ấy.

Một số không ít đâu, sống bằng những nghề lạ, đúng hơn, những nghề xa lạ với quan niệm xưa nay của gia đình cũng như bà con thôn ấp. Những nghề lạ này nhiều khi vẫn được gọi bằng cái tên quen thuộc như cắt tóc, gội đầu, mát xa thư giãn hay hiền lành hơn, tháp tùng du lịch hoặc chăm sóc tuổi già...

Nhưng công việc bên trong thì không phải thế. Và đẻ thuê có lẽ là phát hiện mới nhất của báo chí mà thôi, chắc chắn không phải là nghề lạ cuối cùng của các cô gái nông thôn vùng đất vốn giàu có xưa nay, hiện đang là nơi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu gạo.

Người dân vùng này, khi được hỏi “sắp nhỏ” đi làm gì ở đâu thường được trả lời: Cháu “làm Hà Nội” hay cháu “làm thành phố” (Sài Gòn) cứ như Hà Nội hay Sài Gòn không là địa danh mà là một nghề mới vậy.

Nông thôn vùng đất ấy không nghèo. Giàu có nữa là khác. Nơi cắm một cái cành khô xuống đất có thể hy vọng thành một cây ăn quả ngon ngọt. Nhưng vùng đất ấy đang buồn chán, đang bị tụt hậu so với các vùng hấp dẫn khác. Vì thế mà có thêm nhiều nghề lạ để có cớ cho thanh niên rời quê tìm tới nơi phồn hoa vui vẻ!