Dân Việt

Nghĩa tình ở cơ sở làm hương lớn nhất Sài thành

HỮU KÝ 04/02/2015 16:48 GMT+7
Gắn bó với nghề làm nhang (hương) từ nhỏ, chị Nguyễn Cát Bụi Thúy (sinh năm 1977, ở ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cùng gia đình mình đã gom góp từng đồng vốn để mở cơ sở sản xuất nhang với quy mô lớn bậc nhất Sài thành. 

Vươn lên từ tay trắng

Năm nay mới 38 tuổi nhưng chị Thúy đã có trên 20 năm trong nghề làm nhang. Chị tâm sự, ngày xưa nhà nghèo nên đến năm lớp 6 chị đã phải nghỉ học để đi xe nhang mướn phụ giúp gia đình. Đến năm 18 tuổi, tích góp được chút vốn chị mở một cơ sở xe nhang nhỏ nhưng sau đó làm ăn không hiệu quả nên phải dẹp bỏ, chị xin đi làm công nhân kiếm sống. Đến khi lấy chồng, vợ chồng chị mới quay về làm lại nghề nhang.

img
Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy đang làm việc tại cơ sở của mình.
Nhờ chịu khó nên hai vợ chồng chị không ngừng mở rộng cơ sở sản xuất của mình, các máy xe nhang cũng được đầu tư để mang lại năng suất cao hơn. Đến nay tại cơ sở xe nhang của chị đã được đầu tư 100% máy móc. “Trước làm bằng tay, năng suất thấp, một ngày một người làm cao nhất thì cũng chỉ được gần 20 thiên (1 thiên gồm 1.000 que nhang). Nhưng khi có máy xe nhang đạp chân thì năng suất lên tới 60 – 70 thiên” – chị nói.

 

Hiện mỗi ngày cơ sở của chị sản xuất trực tiếp ra hàng ngàn thiên nhang. Đó còn chưa kể hàng ngày chị đều đi thu gom nhang của các hộ dân trong tổ về để xuất bán. Nhờ vậy cơ sở làm nhang của chị luôn đảm bảo đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường. Nguồn tiêu thụ sản phẩm của chị ngoài lượng khách ở TP.HCM, còn có khách hàng ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng…

Giàu nghĩa tình

Vươn lên từ nghèo khó, chị Thúy luôn thấu hiểu nỗi cực khổ của người nghèo nên khi thấy nhiều người lao động địa phương gặp khó khăn, thiếu việc làm chị đã giúp họ “cần câu cơm” bằng cách tạo điều kiện cho họ làm nghề xe nhang. Chị cho biết: “Ở đây có nhiều người lớn tuổi, người quá tuổi lao động, hoặc những người không có tay nghề, không trình độ nên họ khó xin việc ở chỗ khác. Mình hỗ trợ họ làm nhang bởi nghề này không cần phải có kinh nghiệm, kiến thức, người già và trẻ em đều có thể làm được. Nếu họ có việc làm, có thêm thu nhập phụ giúp cho gia đình thì chắc chắn sẽ thoát nghèo”.

Hiện bình quân một lao động làm việc tại cơ sở của chị có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bà con còn có thể đến chỗ chị lấy bột, lấy tăm nhang mang về nhà làm gia công. Chị còn giúp hàng trăm hộ dân mua máy xe nhang theo hình thức trả chậm. “Hỏi mình con số này cụ thể là bao nhiêu mình không nhớ nổi đâu, nhiều lắm. Cứ mỗi máy xe nhang là 12 triệu đồng, bà con ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu. Có nhà góp 1 triệu đồng/tháng, có nhà góp 500.000 đồng. Có nhà tới 3 năm mới góp xong, chẳng sao cả” - chị Thúy cười hồn hậu.

Chị Thúy tâm sự, nghề làm nhang không mang lại cuộc sống giàu sang như những nghề khác nhưng chị vẫn quyết tâm bám nghề bởi nó đã gắn với gia đình chị từ mấy chục năm nay. Cũng nhờ đó mà gia đình chị và hàng trăm lao động khác có công ăn việc làm ổn định quanh năm, không phải lo nghèo đói. Đặc biệt chị cũng mong góp phần lưu giữ một trong những làng nghề truyền thống lâu đời tại địa phương.

  Bà Trần Thị Như Lan - nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân cho biết chị Thúy là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương và cũng là người đi đầu vận động các hộ làm nhang thành lập tổ hợp tác xe nhang. Ngoài việc đứng ra ứng tiền mua 40 máy xe nhang, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nghèo, chị Thúy còn  hỗ trợ về kỹ thuật, đầu ra sản phẩm...