Dân Việt

Người giữ hồn văn hoá Pa Kô

Lê San 04/02/2015 08:28 GMT+7
Từ khi còn nhỏ, ông Kray Sức - cán bộ văn hoá xã Tà Rụt, huyện Đăkrông (Quảng Trị) đã được đắm mình trong không gian của những bài hát, điệu múa đầy cảm xúc của dân tộc Pa Kô. Nhưng theo thời gian, khi đời sống ngày càng khấm khá thì những điệu hát, bài múa đó dần dần bị mai một, nên ông luôn muốn giữ gìn và phát huy những nét đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc mình. 

Ông âm thầm tìm hiểu, sưu tầm, ghi chép những làn điệu dân ca, những câu chuyện cổ tích, các phong tục, tập quán; các dụng cụ, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Pa Kô.

img
Ông Kray Sức và chị Hồ Thị Thôi ra Hà Nội biểu diễn dân ca Pa Kô hôm 23.1.  L.S 

Năm 2004, khi được phân công làm cán bộ văn hoá xã Tà Rụt, là lúc ông mới thực sự có cơ hội để thực hiện những dự định ấp ủ từ lâu. Hàng ngày, Kray Sức tìm tới những nghệ nhân, những người cao tuổi để ghi chép lại các bản nhạc, bài hát. Sau đó ông dịch từ tiếng Pa Kô sang tiếng Việt, biên soạn giáo án để dạy lại cho thế hệ trẻ.

Lễ hội Ariêu Ping là lễ hội truyền thống mang nét văn hoá tâm linh lớn nhất của người Pa Kô nhằm bày tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất. Kray Sức đã đi tìm hiểu và ghi lại quy trình tổ chức lễ hội này. “Năm 2008, tôi đã tìm tới những trưởng bản, già làng và ghi lại chi tiết cách thức tổ chức cũng như ý nghĩa của lễ hội. Lễ hội gồm có 29 nội dung trong 15 công đoạn. Từ đó đến nay, tất cả các lễ hội Ariêu Ping đều tiến hành theo các bước như vậy” – Kray Sức chia sẻ.

Trên cơ sở những bài dân ca cổ, Kray Sức viết lại lời mới phù hợp với thực tế hiện nay để bà con cùng luyện tập. Chị Hồ Thị Thôi ở thôn A Liêng - một thành viên của đội văn nghệ xã Tà Rụt kể: “Mình lập gia đình rồi, chồng mình cũng không cho đi hát vì ngại phong tục tập quán của dân tộc mình. Nhưng Kray Sức nhiều lần đến nhà thuyết phục, chồng mình cũng cho mình đi. Đến bây giờ, mình đã thuộc được hơn 15 bài dân ca rồi đấy. Mình cũng đã đi biểu diễn hát dân ca ở nhiều nơi lắm rồi, tự hào lắm”.

Bằng công sức của mình, đến nay Kray Sức đã sưu tầm được gần 100 chiếc cồng, chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống như trống Toong, sáo Khui, khèn Bè, sáo Tirel…

“Hiện nay tôi đang làm đề án hướng dẫn cách đọc viết chữ Pa Kô để giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình” – ông Kray Sức cho hay.