Văn học VN đang tập leo núi
Trong nhiều năm qua với chính sách hội nhập, phát triển VN đã mở rộng giao lưu văn hóa nói chung và văn học nói riêng. Đặc biệt, việc dịch, truyền bá văn học Việt Nam ra nước ngoài và dịch, giới thiệu những tác phẩm văn học lớn của nước ngoài vào Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo của văn hóa trong nước. VN có rất nhiều tác phẩm đáng để bạn đọc nước ngoài thưởng thức. Mấy năm gần đây đã có một số tác phẩm của VN được dịch và giới thiệu ở nước ngoài để lại những ấn tượng mạnh trong lòng bạn đọc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, số lượng tác phẩm văn học VN được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế đã có tiếng vang và được đánh giá khá tốt, đặc biệt là ở Nhật Bản, Nga, Mỹ, Thái Lan… 10 năm trước văn học VN mới chỉ được giới thiệu ở một số nước xã hội chủ nghĩa, nhưng đến nay đã có mặt ởnhiều quốc gia trên thếgiới.
Đặc biệt, ở Hoa Kỳ, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã được giới thiệu, ngoài ra còn có các cá nhân, tập thể các nhà thơ, nhà văn, giới thiệu tuyển tập, chuyên đề của mình. Hay như ở Hàn Quốc bắt đầu có nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, trong đó có thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập Nhật ký trong tù và thơ Hồ Xuân Hương.
Tuy nhiên, trên thực tế việc quảng bá văn học VN ra nước ngoài vẫn còn hạn chế. Hằng năm, có hàng nghìn tác phẩm nước ngoài được dịch và bày bán ở VN, còn mấy ai biết hay kể ra được những tác phẩm văn học VN được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Nền văn học Việt Nam không phải là một nền văn học được các NXB trên thế giới săn tìm. Vì thế, VN phải có trách nhiệm và nghĩa vụ giới thiệu những tác phẩm văn học xuất sắc của mình ra thếgiới, phải cử các nhà văn VN sang các nước để giao lưu, giới thiệu và quảng bá tác phẩm.
“Hằng năm, có rất nhiều nhà văn của các nước sang VN để tìm hiểu thực tế, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các nhà văn VN. Trong khi đó, số lượng nhà văn VN được cử sang nước ngoài đếm trên đầu ngón tay. Đây là điều đáng buồn. Công việc này có thể ví như một dãy núi cao mà chúng ta hiện đang đứng dưới chân núi và bắt đầu tập leo”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.
Quầy sách VN tại Hội chợ sách quốc tế lần thứ 39 ở TP Kolkata Ảnh: T.L
Đội ngũ dịch thuật đang không ai nuôi
Nhà thơ Hữu Thỉnh thừa nhận, VN đang là thị trường tiêu thụ tác phẩm văn hóa nước ngoài rất lớn. Đặc biệt, trong văn học có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài được giới thiệu ở VN. Trong khi đó, không ít các tác phẩm văn học nổi tiếng của VN lại chỉ nằm im tại chỗ.
Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chưa chủ động, tích cực trong công tác quảng bá. Còn ở trong nước, dù đã có một trung tâm dịch thuật thuộc Hội Nhà văn VN, nhưng không cónguồn kinh phí để duy trìhoạt động. Do đó, công tác dịch thuật cũng chỉ cầm chừng, thiếu dịch giả giỏi, vì chưa có chính sách nào chăm lo đến đội ngũ này. Hiện nay, muốn tìm dịch giả dịch tốt sang tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng rất khó và có chăng chỉ dịch xuôi mà thôi.
“Trước đây chúng ta có NXB Thế giới tham gia vào công việc quảng bá văn hóa VN ra nước ngoài, nhưng chủ yếu họ chỉ giới thiệu sách chính trị, kinh tế, xã hội, còn mảng văn học rất ít. Vì thế, muốn giới thiệu được văn học VN đến với bạn bè quốc tế một cách bài bản, trước hết phải bắt đầu từ Trung tâm dịch thuật. Đây không chỉ là nơi làm công tác tuyển chọn tác phẩm mà nhiệm vụ quan trọng hơn cả là tập hợp, bồi dưỡng các nhà dịch giả. Còn cứ để Trung tâm hoạt động theo phong trào thì mãi sẽ không có hiệu quả, không có tầm nhìn xa. Cần phải có chuyên gia hàng đầu về dịch thuật ở 6 thứ tiếng và nguồn kinh phí do Nhà nước cấp”, ông Thỉnh cho biết.
Dịch và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới không phải của riêng ai, tổ chức nào mà phải do Nhà nước đứng ra làm chứ Hội Nhà văn Việt Nam có quyết tâm đến mấy cũng không thể làm tốt được. Bởi không có ngân sách thì khó có thể làm nên “chuyện”. Hội Nhà văn Việt Nam thông qua Trung tâm dịch thuật và quảng bá văn học của mình giống như là người được Nhà nước đặt hàng. “Việc làm cần thiết nhất ngay lúc này là phải kiện toàn bộ máy của Trung tâm dịch thuật; hoàn thiện chính sách đối với văn nghệ sĩ khi tham gia giao lưu văn hóa với các nước; phải có cơ chế chính sách đối với những người tham gia giới thiệu văn hóa của VN ra nước ngoài”, ông Thỉnh nhấn mạnh.