Dân Việt

NSND Phạm Thị Thành và những cái tết từng “ngập” trong nước mắt

Đông Vũ 21/02/2015 10:00 GMT+7
NSND Phạm Thị Thành xuất thân từ một gia đình dòng tộc Triều Nguyễn. Bà dành trọn cuộc đời mình cống hiến cho nghệ thuật sân khấu nước nhà. Yêu nghệ thuật, nhận mình là người sẵn sàng hy sinh tất cả cho nghệ thuật nhưng những cái tết xa gia đình, xa quê hương, đất nước từng khiến bà đón tết "ngập" trong nước mắt.

NSND Phạm Thị Thành sinh năm 1941, là chắt ngoại của Tuy Lý Vương - con trai thứ 11 của vua Minh Mạng. Bà là con gái út của Đổng lý văn phòng nội các (quan đại thần nhà Nguyễn, triều Bảo Đại) Phạm Khắc Hòe và bà Công Tôn Nữ Diệu Phẩm (là cháu nội nhà thơ-hoàng tử Tuy Lý Vương Miên Trinh, và là em gái nhà thơ Ưng Bình).

Đối với nghệ sĩ Phạm Thị Thành, cuộc sống trốn cung đình là những ký ức mờ nhạt, bà tâm sự: "Ngày tôi còn bé, cung vua, phủ quan, ngai vàng... rồi vua chúa sống như thế nào chỉ là những ký ức mờ nhạt. Kể cả những lần vào cung chơi cùng con vua Bảo Đại tôi cũng không có gì ấn tượng trong tâm trí tôi..."

Xuất thân trong một gia đình quý tộc của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam nhưng cuộc đời bà phần lớn lại không sống trong cảnh nhung lụa như người ta thường nghĩ, nữ tứ trụ đạo diễn của sân khấu phía Bắc bùi ngùi, kể về cuộc đời mình qua những cái tết cổ truyền.

"Khi cha theo chính phủ kháng chiến, tôi cùng mẹ và các anh chị em về quê nội ở Hà Tĩnh. Ngày ở quê sống cùng ông bà và mẹ cuộc sống của tôi cũng như mọi người thiếu thốn đủ đường. Năm đó tôi chưa tới 10 tuổi, cũng đã phải cùng các anh chị mình tôi phải phải mò cua, bắt ốc, câu tôm cá... để có cái ăn cho gia đình. Quần áo thì chúng tôi mặc những bộ đồ chắp vá, ngủ trong rơm rạ...

img
NSND Phạm Thị Thành giờ đã lên tới chức cụ, chắt ngoại của bà là một cô bé đáng yêu.

Có lẽ, tết đến là những ngày vui vẻ, no đủ nhất của gia đình vì phải tết đến tôi và các anh chị được may quần áo mới, được ăn thịt gà, ăn xôi gấc... Những miếng thịt ngày đấy như một thức ăn xa xỉ", NSND Phạm Thị Thành bộc bạch.

Nghệ sĩ kể tiếp: "Tuổi thanh xuân của tôi có lẽ gắn nhiều với cuộc sống cùng cơ quan Trung ương ở Việt Bắc. Tôi còn nhớ rất rõ, tết tới, cơ quan trung ương có một chiếc máy quay đĩa để nghe hát, được nghe hát từ máy nghe đĩa là một điều ghê gớm và cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

Những ngày tết các cán bộ và gia đình họ sống ở Việt Bắc ăn tết cũng chỉ có rau rừng, trứng gà, đặc biệt hơn là có thêm ít thịt. Cái tết trong những ngày đất nước chiến tranh cũng chẳng chuẩn bị gì đặc biệt: không mai, không đào, không quất, không bánh kẹo, mứt, không lì xì... như bây giờ."

Khi trưởng thành hơn, nữ nghệ sĩ bắt đầu cống hiến cho nghệ thuật, theo các đoàn văn công biểu diễn, phục vụ cho nhân dân và chính phủ.

Yêu nghệ thuật, nhận mình là người sẵn sàng hy sinh tất cả cho nghệ thuật nhưng những cái tết xa gia đình, xa quê hương, đất nước khiến NSND Phạm Thị Thành không khỏi chạnh lòng. Bà kể: "Tôi còn nhớ một cái tết một mình ở Trung Quốc. Đó là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài... Tết Nguyên Đán của họ làm to lắm, có xôi thịt, mọi thứ đồ tết khá giống tết của Việt Nam nhưng được chuẩn bị đầy đủ và tươm tất, không có bánh chưng thôi nhưng họ luộc rất nhiều trứng và nhuộm trứng đỏ... Thấy cái tết của nước bạn to như thế, tôi chực khóc vì nhớ nhà và thương mọi người ở nhà còn thiếu thốn đủ đường".

Những ngày tết xa xứ của người phụ nữ tài hoa gần 30 tuổi là những ngày buồn bã, ngập tràn nước mắt vì nhớ chồng, nhớ con nhỏ... Bà nghẹn ngào: "Hồi sang Nga học, tết tới tủi thân lắm, các bạn cùng phòng tôi bảo: bọn em không muốn đi đâu cùng chị, tết gì mà cứ ngồi khóc suốt thế. Lúc đó tôi cảm thấy nhớ nhà, nhớ chồng con... không biết mọi người đang làm gì?"

Đối với NSND Phạm Thị Thành, tết cổ truyền của bà ngoài bánh chưng, xôi, thịt, giò thì không thể thiếu cành đào và cây quất. Bà hào hứng chia sẻ: "Tới bây giờ phần lớn quỹ thời gian của tôi vẫn gắn nhiều với công việc, với việc tổ chức biểu diễn lễ hội. Vào dịp giáp tết, tôi vẫn thường phải đi công tác ở các tỉnh xa như Tuyên Quang, Phú Thọ... và năm nào tôi cũng vậy, tôi mua một cành đào phai thật to, ở những địa phương tôi công tác rồi chở về Hà Nội.

Tôi tâm niệm hình ảnh cây đào là đặc trưng, nét truyền thống gần gũi trong ngày tết của người Việt, hơn nữa tôi thích màu hồng nhàn nhạt của hoa đào. Còn cây quất tôi thường chọn mua ở gần nhà, tôi nghĩ cây quất là tượng trưng cho lộc. Những quả quất tròn trĩnh như hy vọng của tôi là sẽ tổ chức được nhiều lễ hội, chương trình hay cho sân khấu nước nhà trong năm mới."

Giờ đây, NSND Phạm Thị Thành đã lên chức cụ. Bà có 2 cháu nội, 1 cháu ngoại, 1 chắt ngoại nên nên tết đến xuân về bà cảm thấy mình thảnh thơi, nhàn nhã hơn ngày thường... Bà nói về cái tết của bà và đại gia đình với một giọng chậm rãi:

"Gia đình tôi còn có một thói quen là trước tết vài ngày đại gia đình cùng đi ăn nhà hàng một bữa thật no, sau đó lên kế hoạch cho các công việc cần làm như: chuẩn bị đồ lễ để đi thăm mộ các cụ, con cháu trong thu xếp thời gian để đi cùng nhau. Tôi muốn con cháu ý thức được ông bà, tiên tổ đã dành cuộc đời cống hiến cho đất nước... để chúng lấy đó mà có ý thức phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình.

img

Hiện giờ đối với NSND Phạm Thị Thành, tết đến là những ngày thảnh thơi, nhàn nhã nhất trong năm của bà.

Trước tết, con cháu tôi thường chuẩn bị, sắm hầu hết các thứ cần dùng. Chiều 30 gia đình tôi chuẩn bị đồ lễ để cúng, hẹn người hợp tuổi tới xông nhà. Tôi là người thực hiện các nghi thức thắp hương cho tổ tiên... Giao thừa, tôi và gia đình ngồi ở ban công phòng khách ngắm nhìn pháo hoa, cái cảm giác đêm giao thừa ấm cúng, hạnh phúc lắm."