“Tỉnh Ninh Bình nói hỗ trợ tôi 1 tỷ đồng, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa nhận được bất cứ đồng nào” - Phạm Thị Hoài kể - “Khi bắt đầu làm Cội xưa tôi chỉ có vẻn vẹn 8 triệu đồng và sự thật thà có phần liều lĩnh của tuổi trẻ chưa trải nghiệm.
Nhưng tâm huyết của tôi đã kết nối được những tấm lòng của người dân làng thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) lại với nhau và họ đã bỏ công sức tình nguyện giúp tôi, không tính toán gì. Nhưng khi vận chuyển tranh từ Ninh Bình ra Hà Nội tháng 7.2010 để các chuyên gia đến góp ý, chỉnh sửa, phải tìm “nhà trọ” cho tranh còn chủ dự án thì thấy mình bắt đầu “kiệt sức”...”.
Vẫn muốn tặng tranh cho Hà Nội
Trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Cội xưa được vinh danh bằng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (tháng 8.2010), đồng thời được ghi danh vào Kỷ lục Guinness Việt Nam là Bức tranh thêu tay lớn nhất Việt Nam. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng từng đến thăm khi bức tranh chưa hoàn thiện và động viên khuyến khích các nghệ nhân hoàn thiện bức tranh đúng tiến độ, khiến Hoài cảm thấy bớt đi gánh nặng.
Hoài còn nhớ, trong những ngày ra mắt ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội, người dân và du khách đến xem tranh đều cảm thán: “Hoành tráng quá!”, “Đây mới là tranh Việt!” khiến bao nhiêu vất vả long đong của Hoài dường như tan biến hết.
Vì Cội xưa, mà giờ Phạm Thị Hoài vẫn đang cố gắng nỗ lực làm việc để trả nợ làng thêu Văn Lâm, dù khoản nợ từ Cội xưa không còn là gánh nặng với cô như trước. Với Hoài, “cảm giác” về bức tranh vẫn còn nhiều lắm bởi cô vẫn muốn tặng bức tranh cho Hà Nội như giá trị tốt đẹp ban đầu... Với Hoài và các nghệ nhân làng Văn Lâm, Cội xưa không chỉ gửi gắm những ân tình của người cố đô mà còn thể hiện được lòng nhiệt thành của những người nghệ nhân trong làng nghề cổ có hơn 700 năm tuổi.
Nhưng hiện giờ, sau buổi trưng bày nhân dịp Đại lễ, Cội xưa vẫn “im lìm” trong cảnh “phủ bạt buộc thừng” ở nhà một người họ hàng của Phạm Thị Hoài. 5 năm trôi qua, tranh chưa một lần được hỏi đến…