Nhắc lại về những sự cố tiêm nhầm vắc-xin tại Quảng Trị, Đồng Tháp Bắc Ninh trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Trong lịch sử ngành y chưa bao giờ có hiện tượng tiêm nhầm vắc-xin. Đây là điều rất đau đớn”.
Một trong 3 trẻ tử vong do tiêm nhầm vắc-xin được người thân đưa về mai táng.
Theo Bộ trưởng Tiến, cả ngành y đã nỗ lực phấn đấu nhưng chỉ có vài hình ảnh tiêm nhầm vắc-xin, tiêm nhầm nước cất đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành, mất niềm tin trong nhân dân phải kiên quyết xử lý.
Trước gần 700 đầu cầu từ các tỉnh thành tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh sáng 5/2, Bộ trưởng Tiến yêu cầu cán bộ y tế phải cương quyết xử lý tiêm nhầm vắc-xin.
“Việc tiêm nhầm là không thể chấp nhận được. Chỉ một vài điểm tiêm nhầm là mất niềm tin trong nhân dân, phá tan các thành quả mà bao nhiêu thế hệ thầy thuốc gây dựng”, bà Tiến chia sẻ.
Tai biến luôn thường trực với ngành y tế, nếu xảy ra phải giải thích với người nhà về quy trình, thái độ, đạo đức. Cán bộ ngành y cần chấn chỉnh triệt để tình trạng tiêm nhầm vắc-xin. Do đó, không cho người chưa tập huấn tiêm dù đó là trạm trưởng, trạm phó.
Bà trưởng Y tế cũng yêu cầu bố trí từ dự phòng đến điều trị, tăng cường công tác tiêm chủng. Các điểm tiêm chủng cần kéo dài thời gian tiêm bởi hiện nay các điểm tiêm chủng mỗi tháng tiêm ba ngày, nhưng nếu trẻ sốt, tiêu chảy trong đúng ngày tiêm bỏ mũi tiêm thì rất dễ mắc bệnh.
Ngành y tế đảm bảo cung ứng đủ vắc-xin và thuốc trong tiêm chủng mở rộng. Đối với tiêm dịch vụ, phải đặt hàng sớm thuốc, nếu không đủ lực, vốn dẫn đến thiếu thuốc, không nên tiêm vắc-xin dịch vụ.
Hơn nữa, cán bộ y tế cần xem lại lịch tiêm chủng, chia đều cho các ngày trong tuần. Tại các nơi khó khăn, vùng núi cần triển khai điểm tiêm di động tại y tế thôn bản, vì đi lại vất vả người dân ngại đi tiêm.