Người vác lúa mê nhạc
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Phú Kiết, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang- đây cũng chính là cái nôi của nghệ thuật cải lương mà người dân miền Tây rất tự hào, nghệ sĩ Tư Trang (tên thường gọi của Trần Hữu Trang) đã bén duyên âm nhạc từ sớm.
Cảnh trong vở cải lương “Đời cô Lựu” của soạn giả Trần Hữu Trang. |
Vì nhà nghèo nên anh phải đi làm thuê, vác lúa, chèo ghe mướn, hớt tóc... đủ thứ công việc vất vả không làm cho anh tá điền này giảm bớt niềm đam mê nghe đờn ca tài tử. Tư Trang say đờn ca tài tử tới mức ghiền, rảnh một chút là anh lại đứng để nghe và hát theo. May có một đoàn hát về làng biểu diễn, Tư Trang xin làm chân thư ký chép vở, rồi nhờ làm quen được soạn giả Mười Giảng, anh bắt đầu võ vẽ viết những vở cải lương đầu tiên.
Từ vở đầu tiên mang tên “Lửa đỏ lòng son” vào năm 1928 lúc mới ngoài 20 tuổi, chỉ một vài năm sau, thập niên 1930, hàng loạt vở diễn nổi tiếng lần lượt ra đời như Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), nhất là Đời cô Lựu (1937) được ghi nhận như là một trong những đỉnh cao của sân khấu cải lương trước Cách mạng Tháng Tám. Nhân vật trung tâm trong những vở diễn của ông bao giờ cũng là người dân nghèo thấp cổ bé họng bị hà hiếp nhưng vẫn ngời sáng đức tính “đói cho sạch, rách cho thơm” và không đầu hàng trước cường quyền bạo lực.
Với những nhân vật người nghèo khổ tận dưới đáy xã hội như cô Lựu trong “Đời cô Lựu”, những vở cải lương của ông đã lấy được nước mắt của không biết bao nhiêu khán giả và trở thành đỉnh cao của thời hoàng kim trên sân khấu cải lương. Từ những vở diễn lừng danh như “Lan và Điệp”, “Tìm hạnh phúc”, “Mộng hoa vương”, “Chị chồng tôi”, “Tình lụy”, “Khi người điên biết yêu”… của ông đã làm nên tên tuổi của biết bao thế hệ các đoàn hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu, Thanh Minh...
Trên đường kháng chiến
NSƯT Bạch Tuyết cho biết: “Soạn giả Trần Hữu Trang là một nghệ sĩ tài danh, là niềm tự hào cho nghệ thuật cải lương cách mạng VN. Nếu không có những vở diễn của ông, liệu khán giả mộ điệu có dành tình yêu nhiều đến như thế cho cải lương hay không? Tiếc là ông ra đi vì bị trúng bom Mỹ quá sớm trên đường công tác, nếu không sân khấu cải lương sẽ còn nhiều vở diễn đỉnh cao hơn nữa”.
Hiếm có nghệ sĩ nào như ông, ngoài tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Trần Hữu Trang còn là một cán bộ tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu khởi nghĩa. Vì thương quê hương bị thực dân Pháp giày xéo, ông đã có lúc tạm rời sân khấu để trực tiếp tham gia kháng chiến cứu nước trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Phú Kiết quê hương để rồi năm 1947, được điều động vào nội thành Sài Gòn làm công tác vận động văn nghệ sĩ, trí thức trong vỏ bọc của một nghệ sĩ Đoàn cải lương “Con tằm”.
Nếu như trước Cách mạng Tháng Tám, soạn giả Trần Hữu Trang chỉ viết những vở diễn bênh vực cho người nghèo, thì từ khi tham gia cách mạng, ông đã thực sự trở thành một chiến sĩ khi đưa 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc lên sân khấu cải lương. Những vở diễn như “Hậu chiến trường” (1946) đã được, các nghệ sĩ diễn để động viên tinh thần nhân dân chiến sĩ, và một vở diễn về người Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã mãi mãi dở dang vì ông đột ngột ra đi, để lại 30 vở cải lương là vốn quý cho nghệ thuật kịch hát dân tộc.
Tên ông đã trở thành niềm tự hào cho các thế hệ nghệ sĩ cải lương, có một con đường, một nhà hát ở TP.HCM mang tên ông, và gần đây nhất, Giải thưởng Trần Hữu Trang là một thước đo uy tín cho những người làm nghề chuyên nghiệp. Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996).
GS-TS Trần Văn Khê cho biết: “Tôi rất trân trọng tài năng và nhân cách của anh Tư Trang vì chính nhờ có anh, cải lương VN có được niềm tự hào khi đi ra với bạn bè thế giới. Những người VN xa xứ đã khóc, cười cùng nhau khi cùng ngồi xem “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt” hay “Lan và Điệp”, vốn văn hóa cha ông, tình yêu nghệ thuật của dân tộc vì thế mà chưa bao giờ phai nhạt trong họ”.
Lê Thế Bằng