Dân Việt

“Ông hoàng cải lương” Minh Vương: Được hát, được khán giả trân quý là hạnh phúc

Bồng Sơn 06/02/2015 08:41 GMT+7
Dù đã ở tuổi gần đất xa trời nhưng nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Vương vẫn luôn được khán giả mến mộ. Những người hâm mộ ông không ngại đường xa mang một chút bánh, trái cây từ quê hay in hình ép khung gỗ để tặng cho ông.

Từng đã phải trải qua cơn thập tử nhất sinh, những tưởng ông sẽ dành thời gian cho gia đình, sum vầy con cháu nhưng cái tên Minh Vương dường vẫn không thể rời xa được khán giả yêu cải lương?

- Đối với người nghệ sĩ, được hát, được chia sẻ, được khán giả yêu thích, trân quý mình là một niềm hạnh phúc. Tôi đã sống với nghề thì không thể rời xa được. Những ngày Tết dù có đi xa lưu diễn, mang nỗi buồn xa gia đình nhưng bù lại là có khán giả bên cạnh, được khán giả mến mộ lì xì. Tôi không muốn phụ lòng tình yêu thương ấy.

img
NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thủy trên sân khấu

Mới đây, trong liveshow của chị Hồng Nga, dù chỉ tham gia ca lẻ mà tôi đã không khỏi bất ngờ khi được khán giả tặng cho một bức tranh gỗ in hình với lời đề tặng rất hay. Ở tuổi này, tôi vẫn luôn được khán giả chở che, yêu thương, quan tâm cũng là điều mãn nguyện của cuộc đời. Tôi được sống tiếp cuộc đời này cũng là do ân nhân – khán giả của tôi ban tặng. 

Hình như khán giả mến mộ cũng là những người bạn tâm giao của ông?

- Tôi lúc nào cũng nhận được nhiều lời thăm hỏi qua điện thoại từ người hâm mộ, hoặc đôi lúc hẹn uống cà phê buổi sáng, kể chuyện nghề, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống.

Trong dịp Xuân này, ngoài việc chuẩn bị đồ Tết, cúng quẩy trong nhà, tôi còn chuẩn bị khá nhiều thứ để đón khách, khán giả mến mộ mình. Thông lệ nhất đối với tôi là tất cả mọi người đều gọi điện thoại, nhắn tin chúc mừng nhau.

Bao nhiêu năm trôi qua, khán giả vẫn ngưỡng mộ cặp đôi vàng của cải lương Minh Vương – Lệ Thủy, ông vẫn luôn giữ liên lạc với nghệ sĩ Lệ Thủy và cả hai đã từng cảm tình bên nhau? 

img
Bức tranh người hâm mộ tặng NSƯT Minh Vương

- Từ khi bước chân vào đoàn Kim Chung, tôi đã được sắp xếp hát cùng với Lệ Thủy và từ đó hai cái tên “Minh Vương – Lệ Thủy” gắn chặt cùng nhau bởi khán giả quá yêu thích, mến mộ nên chúng tôi càng không thể tách nhau.

Tôi và Lệ Thủy còn được Guiness Việt Nam xác lập kỷ lục là cặp đôi nghệ sĩ đóng chung lâu năm và phối hợp với nhau ăn ý nhất. Mới đây, cả hai tiếp tục ở bên nhau trong “Nửa đời hương phấn”.

Để được sự ăn ý và ai cũng yêu thích thì chúng tôi luôn yêu thương, cảm tình, trân trọng nhau cả ngoài đời, trên sân khấu. Nếu là vợ chồng thì chắc khán giả không thể nào cảm nhận được sự khao khát, ăn ý như thế trong các vở diễn.

Để có lại một Minh Vương thứ hai hay tạo nên cặp đôi mới gây tiếng vang trong nghệ thuật truyền thống này khó mà có lại được. Theo ông, đó là do đào tạo không bài bản hay vì lý do gì mà khoảng cách thành tựu của các tiền bối đi trước và lớp “măng” bây giờ lại quá xa như vậy?

- Không thể nói là đào tạo không bài bản vì các em sau này có nhiều thuận lợi về đạo diễn, kịch bản và tất cả mọi thứ so với chúng tôi lúc trước. Ngày xưa anh chị em nghệ sĩ chúng tối bước lên từng nấc thang nên nó chậm rãi và chắc. Còn bây giờ các em may mắn được chuẩn bị mọi thứ thì tôi khuyên các em khi có được những thuận lợi đó thì nên cố gắng học hỏi đừng bước lên quá nhanh.

Ngay thời điểm hiện nay, đến cả tôi khi nhận được vai gì đó vẫn phải học hỏi. Ngày xưa chúng tôi cũng chỉ tự trao đổi học hỏi với nhau chứ không có người hướng dẫn như các em ngày nay. Người ta nói “văn ôn võ luyện”, tôi vẫn hàng ngày ôn luyện, thử thách mình trong các vở diễn mới, sáng tạo hơn.

img
 

Cơ duyên nào để ông có thể “vùng vẫy” trên sân khấu để trở thành “ông hoàng cải lương”? Ông có khi nào nghĩ rằng mình vốn đã được định sẵn sẽ có Minh Vương ngày hôm nay?

- Chẳng ai có thể biết được ra sao ngày sau. Ngày đó tôi chỉ mới 13 tuổi, đang học chữ. Mỗi ngày đi vớt lăng quăng cho cá lia thia ăn hay đi ngang qua căn nhà thấy ông thầy đang dạy đàn kìm cho học trò, rồi nghe vọng cổ. Tôi thấy thích nên xin thầy cho thử hơi, thầy thấy giọng tốt nên dạy không lấy tiền. Khoảng gần hai năm thì có cuộc thi vọng cổ của báo chí Sài Gòn tổ chức 4 năm một lần nên thầy chọn tôi đi thi và tôi được giải Khôi nguyên năm 1964, từ đó đoàn Kim Chung mời tôi về ký giao kèo và bắt đầu đi theo.

Khán giả luôn mến mộ Minh Vương và ông vẫn  giữ giọng hát ngọt ngào cho đến tuổi này, bí quyết nào giúp ông làm được điều ấy?

- Mỗi buổi sáng tôi đều thức dậy tập thể dục, chiều cũng đi bộ cho khỏe người. Hồi trước các thầy luôn nhắc nhở khuyên nhủ tôi luôn giữ gìn giọng của mình như không ăn chơi, hút thuốc, uống rượu để không bị hư, bể giọng và duy trì được lâu. Và tôi đã chứng minh được điều đó bằng những lời dạy dỗ đúng đắn của các thầy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!