Dân Việt

Trẻ không tiêm phòng sởi tiềm ẩn tái phát dịch

Diệu Linh 06/02/2015 07:52 GMT+7
Trong vòng tháng 1.2015, 13 tỉnh, thành phố đã xuất hiện bệnh nhân nghi sởi. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã xuất hiện 21 ca bệnh. Nguyên nhân xuất hiện bệnh sởi được xác nhận là lây lan do trẻ chưa tiêm phòng. 

10% trẻ chưa tiêm phòng sởi

Ngày 5.2, tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm và đảm bảo các hoạt động y tế dịp tết 2015, PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lo ngại về việc dịch sởi có thể quay trở lại.

img
Tiêm phòng  sởi cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng (Hà Nội).     Đàm Duy
Theo ông Phu, hiện đã có 28 ca bệnh dương tính với sởi, riêng ở Hà Nội có 7 ca. Các tỉnh còn lại bao gồm: Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị, TP.Hồ Chí Minh, Đăk Lăk.

Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư có 21 ca chủ yếu là trẻ dưới 2 tuổi, trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) chiếm 61,9%. Tuy nhiên, chỉ có 4 ca bố mẹ chắc chắn là chưa tiêm phòng còn 17 ca còn lại không rõ được con đã tiêm sởi hay chưa.

Chiến dịch tiêm phòng sởi – rubella cho trẻ từ 2-14 tuổi được khởi động từ tháng 9.2014, đến nay đã tiêm chủng an toàn cho hơn 18.300.000 trẻ. Lý giải về việc tại sao trẻ đã được tiêm phòng sởi nhiều như vậy nhưng vẫn có ca mắc, TS Phu cho biết, mỗi năm có khoảng 10% trẻ chưa được tiêm phòng sởi và khoảng 5% trẻ đã tiêm vaccine nhưng không đáp ứng sinh miễn dịch. Do đó, tích lũy mỗi năm vài nghìn trẻ thì vẫn có thể bùng phát thành dịch sởi trên diện rộng. “Ngoài ra chúng ta vẫn còn các vùng lõm ở các địa phương đi lại khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. Đây chính là các ổ dịch nếu như có ca bệnh sởi xuất hiện” – TS Phu nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo các tỉnh phải nỗ lực hơn nữa trong việc tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ. Ngoài mũi tiêm trong chiến dịch tiêm sởi-rubella, các địa phương cần tiêm vét phòng sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 1 tuổi.

Cán bộ tiêm chủng phải được đào tạo

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu cán bộ ngành y rút kinh nghiệm từ 2 vụ tiêm nhầm vaccine sang nước cất và tiêm vaccine phòng uốn ván, ho gà, bạch hầu thay cho vaccine uốn ván. “Chỉ một hành động lơ đãng, sai sót mà ảnh hưởng đến uy tín của hơn 400.000 cán bộ y tế, mất niềm tin của người dân. Sau này, nếu cán bộ không được tập huấn tiêm chủng thì dù ở chức vụ nào cũng không được phép tiêm chủng” – Bộ trưởng Tiến cho biết.

Ngoài ra, bà Tiến cũng đề nghị các nhà sản xuất vaccine trong nước phải chú trọng sản xuất các lọ vaccine với màu sắc, kiểu dáng khác nhau để tránh nhầm lẫn.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ, Bộ Y tế đã có kiến nghị với Chính phủ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tháng an toàn thực phẩm năm 2015, thay cho Bộ Y tế như trước đây. Từ trước đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phần lớn các danh mục thực phẩm sử dụng hàng ngày (thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hải sản…) nên Bộ chủ trì thì hợp lý hơn.

“Điều mới nhất của năm 2015 là thành lập các tổ kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm soát ở các cơ sở sản xuất, chế biến, buôn bán tại địa phương. Nếu phát hiện sai phạm có quyền xử phạt ngay tại chỗ” – ông Long cho biết.

  Cùng ngày, Bộ Y tế cũng công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành năm 2014. Bao gồm: Thiết lập và tổ chức đồng bộ hệ thống đường dây nóng; giảm quá tải bệnh viện; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi được thông qua; ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại, ngăn chặn thành công các bệnh dịch nguy hiểm; lần đầu tiên sau 8 năm  tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh giảm…