Lê Thanh Phong tham gia giữ chuyên mục Tâm điểm và Bình luận trên Báo Nông Thôn Ngày Nay đã được gần 10 năm. Anh là cây bút chuyên nghiệp, như bạn bè nói, anh luôn chăm chỉ cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa. Mỗi ngày lật báo ra, lên trang mạng hay vào Facebook của anh, đều thấy xuất hiện vài bài viết. Một sức làm việc bền bỉ hiếm thấy. Bạn đọc yêu mến anh rất nhiều, có người “thần tượng” anh đến mức, từ Bạc Liêu ra tận Hà Nội tìm gặp Tổng biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay để hỏi cho ra nhà báo Chân Tâm là ai.
Ngày Nhà báo Việt Nam 21.6.2014, nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết bài “Những nhà báo mà tôi yêu mến”, anh viết về Lê Thanh Phong: “Đây là một cây bút sắc, một cây bút bền bỉ, không khoan nhượng với mọi vấn đề làm trở ngại xã hội, không sợ va chạm, không sợ trù dập, một cây bút trọng chữ, quý chữ, nâng niu từng chữ. Với Phong, một dấu “phẩy” cũng có thể là một “quả đấm” trong những bài bình luận của mình”. Nhà văn Vĩnh Quyền viết: “Mỗi ngày đọc Lê Thanh Phong để căm giận bóng tối hơn, yêu nước thương nòi hơn và tha thiết cuộc sống mỗi ngày”. Nhà báo Dương Quang thì nhận xét về bình luận của Lê Thanh Phong: “Nhiều bài đọc rồi, nay đọc lại vẫn thấy rất đã bởi độ nóng thời sự vẫn còn hầm hập, bởi tính phản biện luôn cuồn cuộn, bởi dũng khí của người viết luôn chất ngất. Đọc bài nào cũng như thấy lửa bốc lên từ ngòi bút. Ngọn lửa của tinh thần phản biện”.
Lê Thanh Phong là nhà báo có kiến văn rộng rãi và nhiệt huyết hiếm thấy. Anh không bao giờ thỏa hiệp với cái xấu, từng bài viết của anh, dù bình luận về lĩnh vực chính trị, kinh tế, pháp luật hay liên quan đến nông thôn, nông dân, anh đều xoáy thẳng vào những vấn đề gai góc nhất và phản biện không khoan nhượng. Anh luôn đứng về phía dân chúng, nói lên tiếng nói của dân chúng một cách thẳng thắn.
Lê Thanh Phong chia sẻ với người nghèo: “Còn nhìn rộng và xa hơn, đó vẫn là làm sao để cho nước mình thoát nghèo, dân mình hết khổ. Một đất nước mà không ít phụ nữ ở các vùng nông thôn tìm mọi cách để lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... như một cách để thoát nghèo thì thật đau đớn và xấu hổ”. Và quyết liệt với tham quan: “Nhiều người quá thèm những chiếc “ghế” cao, quyền lực, nên cứ đem việc “cắt ghế” ra đề nghị xử là rất có hiệu quả cho công việc. Nói đúng hơn, kêu gọi sự tự giác, đạo đức cán bộ hay trăm thứ lý thuyết đạo đức khác xem ra hiệu quả không cao, cứ đem “ghế” ra đòi xử là xong”.
Hoặc anh nói về lòng dân: “Dân đã quá ngao ngán vì tình trạng một số cán bộ, quan chức tham nhũng, hạch sách, dân lại thất vọng hơn khi còn có những cán bộ hành xử với dân bằng lưỡi cuốc và nắm đấm. Còn nhiều trường hợp cán bộ xã, công an xã hành hung, thậm chí nổ súng vào người dân. Đặc biệt ở những vùng nông thôn, loại lý trưởng cường hào đời mới vẫn còn đất sống”.
Mỗi bài viết của Lê Thanh Phong đều thể hiện trách nhiệm của người cầm bút.
“Dân chúng đâu phải trẻ con” là cuốn sách tập hợp 150 bài bình luận của nhà báo Lê Thanh Phong trên mục "Tâm điểm và Bình luận của Báo Nông Thôn Ngày Nay và Dân Việt. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.