Dân Việt

Chuyện chưa kể về bà chủ xinh đẹp của Việt Phủ Thành Chương

06/02/2015 10:06 GMT+7
Bây giờ, Ngô Hương không phải là một người làm báo nữa, mà là một doanh nhân thực sự. Hương là bà chủ của một cơ ngơi văn hóa nghệ thuật lừng danh “Việt Phủ Thành Chương”.

Khi người đẹp Ngô Hương trở thành bà chủ của “Việt Phủ Thành Chương”, tôi mới biết bố mẹ Ngô Hương đều là nghệ sỹ. Nhạc sỹ Ngô Quốc Hải và nghệ sỹ kịch nói Kim Dung, những bậc sinh thành ra người đẹp Ngô Hương vốn quê ở xứ lụa Hà Đông một thời nổi tiếng. Nhưng Ngô Hương không theo nghiệp bố mẹ, Hương học sư phạm ngoại ngữ, đi thực tập ở Nga, rồi ra làm cho các hãng nước ngoài. Dân chuyên văn nên lại sang làm cả việc biên dịch, viết báo. Tôi biết Ngô Hương từ dạo Hương còn viết cho báo Văn Nghệ Trẻ và sau đó là một trong những người đầu tiên làm PR (quan hệ công chúng) khi chuyển sang nhà xuất bản Kim Đồng. Mỗi lần Hương qua tòa soạn báo Tiền Phong gửi bài (Hương cộng tác với báo nhiều năm) mọi người trong tòa soạn đều ngoái nhìn theo, một cô gái đẹp, gương mặt rất sáng với da trắng, mắt đen, dáng hình thon thả…

img
Ngô Hương sở hữu gương mặt rất sáng.

 

Bây giờ, sau gần 20 năm, trông Hương vẫn đẹp, nói như các cụ ngày xưa là “nhuận sắc”. Tôi hỏi Hương “Xưa nay, người ta vẫn nói, hồng nhan bạc mệnh em thấy có phải thế không?”. Hương cười nửa đùa nửa thật bảo: “Dạ, xưa thế, chứ bây giờ khác rồi. Tình thế đã xoay chuyển. Thời nay là thời vinh quang của sắc đẹp. Mọi người nói là hồng nhan bạc tỷ. Qua cái thời bạc phận rồi. Càng đẹp càng yên tâm. Hồng nhan vượt bậc trở thành gia tài của gia đình, của quốc gia thì sao bạc phận được nữa”… Đúng là cuộc sống đổi thay quá nhanh. Người phụ nữ được bình đẳng càng ngày càng chứng tỏ năng lực mạnh mẽ của mình.

Ngồi chuyện trò vui qua lại bên bàn trà, dưới tán cây xanh xào xạc, ánh nắng vàng như mật mùa Đông làm bừng lên vẻ quyến rũ của khu vườn nổi tiếng của vợ chồng Hương. Tôi thấy cảnh và  người  sao mà phù hợp.

img

 

Bây giờ, Ngô Hương không phải là một người làm báo nữa, mà là một doanh nhân thực sự. Hương là bà chủ của một cơ ngơi văn hóa nghệ thuật lừng danh “Việt Phủ Thành Chương”.

Hương tâm sự rằng, đã là người kinh doanh tất phải nghĩ đến lợi nhuận, nhưng trong lĩnh vực bảo tồn văn hoá, nghệ thuật di sản này, người chủ hiểu biết phải coi đây là khoản đầu tư dài hạn, không vì lợi nhuận bằng mọi giá như kinh doanh ở lĩnh vực thông thường. Từ tốn và tinh tế - đó là điều tôi nhìn thấy ở cách làm chủ của Hương. Thật khâm phục vì Việt Phủ Thành Chương sau gần 15 năm thậm chí còn đẹp hơn khi nó ra đời, càng ngày càng được nhiều người yêu mến. Các tờ báo lớn hàng đầu của thế giới lần lượt giới thiệu (The New York Times, International Herald Tribune, Telegraph…). Đó hẳn chẳng phải là một sự may mắn ngẫu nhiên. Niềm vui xen lẫn niềm tự hào về thành quả của vợ chồng người đẹp và hoạ sĩ. 

Tôi đã đọc nhiều bài viết về họa sỹ Thành Chương trên các báo trong đó có bài viết của Ian Findlay “Theo đuổi một tiếng nói của dân tộc” là tôi thích nhất. Thành Chương là người kiên trì theo đuổi một “Trường phái hội họa Việt Nam”. Với phong cách riêng của ông, năm 2000 họa sỹ Thành Chương trở thành một trong những nhân vật của VHNT Hà Nội. Năm 2001, tranh của ông đã được chọn làm con tem của Liên Hợp Quốc. Ông là người châu Á đầu tiên có được vinh dự này. Trong nước, ông là một thủ lĩnh, người tiên phong trong lĩnh vực hội hoạ.

Tôi quen biết ông đã nhiều năm, ông cộng tác với báo Tiền Phong vẽ bìa báo Tết cho tờ Tiền Phong Chủ Nhật. Nhiều lần tôi được ông dẫn đi xem bảo tàng đồ cổ và những công trình kiến trúc trong Việt Phủ, nhưng lần này mới có dịp ngồi đàm đạo với vợ chồng ông.

Nói về gia đình, ông cười, nói vui “Tôi tự phong cho vợ tôi là mẹ Việt Nam anh hùng”. Ấy là chuyện cô con gái Nguyễn Thị Hương Khuê sinh năm 2002. Lúc Hương sinh con, hai người chưa về được với nhau, còn nhiều sóng gió. Ông đang đi triển lãm tranh ở nước ngoài, Hương một mình lo toan tất cả, không một lời thở than. Cháu Hương Khuê lúc mới sinh không may mắc bệnh tim bẩm sinh. Đó là cú sốc không thể ngờ với Hương. Cả ba năm đầu đời của cháu là vô cùng vất vả vào ra bệnh viện với các cuộc phẫu thuật. Có lúc tưởng như hết cả hy vọng. Ngô Hương đã xin nghỉ việc ở nhà xuất bản Kim Đồng để dồn sức chăm con mà đến các bác sĩ cũng phải nể phục.

Bây giờ cháu Hương Khuê đã học lớp bảy. Cháu mê đọc, đàn hay, tính tình rất nghệ sĩ, lại có một trí nhớ tốt. Sách thiếu nhi, sách dã sử, danh nhân thế giới cháu đều thuộc làu. Nhìn cháu ngồi ôm cuốn sách ở một góc phòng mà tôi giật mình, trông dáng dấp giống hệt ông nội cháu - nhà văn Kim Lân.

Cô con gái thứ hai của vợ chồng hoạ sĩ và người đẹp còn nhỏ, sinh năm 2006 tên là Nguyễn Thị Chương Nghi – cái tên đẹp do nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, hiện là Phó chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam đặt. Hoá ra, Thành Chương nhất định đặt tên con phải có chữ “Thị”, “vì có chữ Thị nghe hay hơn nhiều”. Không biết có phải vì tên mà cô bé mặt tròn như trăng rằm này trông rất chững chạc và có đôi phần uy nghiêm nữa.

Tôi bỗng nhớ cách đây mười mấy năm Ngô Hương thường sang gửi bài dịch cho báo Tiền Phong. Các bài dịch của Hương mới lạ, hấp dẫn. Hương trở thành cộng tác viên thân thiết của tờ báo. Rồi vào giữa năm 2002, không thấy Ngô Hương đến nữa, mấy anh biên tập bảo nhau “Thế là người đẹp theo chồng bỏ cuộc chơi rồi, tiếc quá! ”. Thực ra, Hương có kỷ niệm vui với báo Tiền Phong từ trước đó. Năm 1990, chút nữa thôi là Hương đã dự thi Hoa Hậu Toàn Quốc do Báo Tiền Phong tổ chức (năm Hoa Hậu Diệu Hoa đoạt vương miện). Hồi đó cô sinh viên được mệnh danh là hoa khôi của trường Đại Học Sư Phạm Ngoại Ngữ xuất hiện muộn, nhưng liền nhận được đặc cách vào thẳng vòng thi bán kết. Cả nhà ủng hộ, ban giám khảo cũng rất khuyến khích, đánh giá nếu tham gia, cô sẽ là một trong những thí sinh tiềm năng chiến thắng nhất của cuộc thi. Hương gật đầu bằng lòng, nhận số báo danh, và đứng trong cánh gà chờ gọi tên. Nhưng khi gọi tên, thì Hương liền quyết định thôi. “Em không thể thi vì em  thấy không thoải mái trước chỗ đông người”. “Bây giờ thì em là Hoa hậu của Việt Phủ Thành Chương mà không cần phải thi gì cả !” – Tôi bảo. 

img
Việt Phủ Thành Chương

Thân sinh họa sỹ Thành Chương là nhà văn Kim Lân nổi tiếng với truyện ngắn “Vợ Nhặt” mà tôi rất thích. Cái tên “Phủ Thành Chương” do nhà văn Nguyễn Viện đặt. Nhưng, một dạo người ta dị ứng với từ “Phủ”, cứ cho là cung vua phủ chúa ngày xưa. Thành Chương liền nhờ nhiều bạn bè văn chương thân thiết đặt lại tên cho đỡ thị phi… Nhưng rồi mọi người đều cho rằng chữ “Phủ” là đúng nhất, hợp nhất với khu nhà toà ngang dãy dọc, cây cối xum xuê khép kín này. Vấn đề là thêm một từ nào đó cho dễ chấp nhận hơn. Cuối cùng, chính nhà văn Kim Lân, thân phụ của họa sỹ Thành Chương thêm vào chữ “Việt” nữa, thành Việt Phủ Thành Chương  độc đáo nổi tiếng.

Họa sỹ Thành Chương đã vẽ cả ngàn bức tranh, một sức làm việc, sáng tạo đáng khâm phục. Theo tôi, ông là người đàn ông tài hoa, để lại cho đời nhiều thứ đẹp. Cái câu “Trai tài, gái sắc” là điều mà tôi hay nghĩ về số mệnh của ông. Ít nhất hai lần lấy vợ sau thì tôi đều thấy họ rõ là những người đàn bà đẹp có tiếng. Không biết ông đã lấy cảm hứng nghệ thuật từ đâu, từ hồn thiêng sông núi? Từ những người phụ nữ đẹp?