Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt nói như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN xung quanh việc giải quyết một số khúc mắc hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phải có kịch bản cho sự chuyển đổi
Câu chuyện liên kết 3 nhà được đặt ra nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay, rõ ràng người nông dân vẫn luôn chịu sự lép vế trong chuỗi cung ứng nông sản, họ luôn phải chịu thiệt thòi so với doanh nghiệp. Đặc biệt là khi xã hội ngày càng đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp sạch. Theo ông đó là vì sao?
- Gần đây chúng ta có khái niệm thực phẩm sạch. Thực phẩm sạch là thực phẩm chân quê mà rất nhiều người nông dân lên ti vi nói là khó bán bởi vì trông nó xấu xí, còi cọc, không giống những sản phẩm dùng nhiều hoá chất. Chúng ta đi tìm sự màu mỡ, sự bụ bẫm của các sản phẩm công nghiệp cho nên chúng ta quên mất giá trị chân chất.
Khi người ta công nghiệp hóa nông sản thì người ta sẽ làm nó không sạch nữa. Làm cho các sản phẩm không sạch được là một mặt tiêu cực của công nghiệp hóa. Cho nên tôi nghĩ rằng cần phải huấn luyện xã hội tiêu dùng để hiểu giá trị lao động phổ vào trong một sản phẩm là con người.
Làm sao có thể nâng cao đời sống của người dân nông thôn lên để gần với đô thị, để được mùa nhưng khi không mất giá?
- Tôi nghĩ rằng nông thôn là vùng đất duy nhất người ta có thể tạo ra sự đa dạng của đời sống kinh tế, có nghề thủ công, có nghề nọ, nghề kia và nó tạo ra một xã hội, xã hội chuyên môn làm bằng tay.Vậy làm thế nào để người nông dân có mức sống cao tức là làm cho người ta bán được sản phẩm để tạo ra tiền.Tôi nghĩ rằng làm cho nông thôn văn minh hơn chính là làm cho nông dân bán được sản phẩm của mình đắt tiền hơn.
Cần nhiều nguồn vốn để chỉnh trang bộ mặt nông thôn. Ảnh chụp tại một huyện ngoại thành Hà Nội. |
Trong nhiều lần trao đổi xung quanh vấn đề nông dân, nông thôn, ông có nói rằng "nông dân đang trở thành cửu vạn". Theo ông cần phải có cơ chế chính sách gì để tháo gỡ tình trạng ấy?
- Có lẽ điểm quan trọng nhất là điều chỉnh tốc độ phát triển. Phải có kịch bản cho sự chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp hoặc sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nó phải có lộ trình, không thể ào ào được. Ở đây là chúng ta quảng canh kinh tế, cái gì ăn được là chúng ta làm, do đó nó tuân theo quy luật dư thừa tức thời, và sự dư thừa đó bẻ gãy tính bền vững của nền kinh tế. Đây là vấn đề khó, nhưng tổng thể là chúng ta không có quy hoạch vĩ mô đầy đủ để điều chỉnh tốc độ chuyển đổi cấu trúc của các khu vực kinh tế khác nhau trên cả phương diện lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất.
Vấn đề con người, theo ông phải giải quyết là gì trong câu chuyện nông nghiệp hóa, công nghiệp hóa, câu chuyện nông thôn và thành thị, thưa ông?
- Khắc phục khoảng cách giàu nghèo chính là khắc phục cái chênh lệch của độ văn minh, độ hiện đại của thành thị và nông thôn. Phải kéo đô thị về một nhịp độ nào đó gần con người hơn, cần phải nâng nông thôn lên để nông thôn trở thành một vùng sống tốt hơn, văn minh hơn với những đảm bảo y tế, với những điều kiện hưởng thụ tốt hơn. Thay vì chúng ta dồn cả vào đô thị thì hãy bớt một khoản tiền ra, chúng ta chia sẻ ra một khoản tiền có lẽ nhỏ hơn để hiện đại hóa nông thôn. Đấy là một cách khái quát nhất để góp phần khắc phục khoảng cách giàu nghèo.
Xã hội chưa chuyên nghiệp để nông nghiệp phát triển
Ông có nói đến trường hợp Ireland, trong khủng hoảng họ tìm đến nông nghiệp, và bây giờ họ trú ẩn được trong nông nghiệp. Ông có nghĩ bây giờ đầu tư vào nông nghiệp cũng là một lối đi hợp lý cho kinh tế Việt Nam?
- Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế phát triển chưa thật, cho nên nó không có trường hợp thức tỉnh kiểu như Ireland được. Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế lệ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, kể cả nhập khẩu công nghệ, cho nên kinh tế Việt Nam không bắt chước kinh nghiệm Ireland được.
Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt
Trong khi rất nhiều ý kiến cho rằng chúng ta là một nước nông nghiệp. Vậy nếu có một đường đi nào cho Việt Nam thì có phải là nông nghiệp không?
- Tôi cho rằng nếu làm nông nghiệp như hiện nay thì không thể. Bởi vì chẳng nhẽ chúng ta trồng khoai rồi thỉnh thoảng luộc khoai cho cả nhà ăn, chúng ta khôi phục nghề dệt ở các làng để chúng ta mặc lại đồ đũi như những năm 30 của thế kỷ XX, mà có cái đấy cũng không thỏa mãn được. Chúng ta đã từng rơi vào tình trạng mỗi năm một người đàn ông chỉ được may một cái quần dài, còn phụ nữ thì hai cái quần lụa.
Ông có thể lý giải thêm về điều này. Tại sao, hiện nay nhiều nước vẫn chọn con đường phát triển nông nghiệp? Vậy cái chúng ta thiếu là gì thưa ông?
-Việt Nam phát triển nông nghiệp bán cho ai, phân bón nào, thuốc phòng chống sâu bệnh nào, thị trường nào, tín nhiệm nào? Nếu anh sản xuất được thì dần dần anh có tín nhiệm, tín nhiệm lên dần với chất lượng sản phẩm. Hệ thống xã hội của chúng ta đã kiểm soát được chất lượng chưa, chúng ta có cách gì để kiểm soát sự độc hại của thực phẩm. Không có. Chúng ta chưa có một kết cấu xã hội để đảm bảo uy tín, đảm bảo độ tin cậy về chất lượng hàng hóa. Chúng ta phải xây dựng một xã hội khác, hiện nay chúng ta chưa làm được.
Chúng ta không có thợ. Để thành lập một trường đại học nông nghiệp để cung cấp kịp thời những nhà sản xuất, điều hành nông nghiệp, người ta biến một trường đại học có nhiều chức năng trở thành một trường đại học nông nghiệp khu vực. Người Ireland làm thế, nhưng chúng ta không làm được. Chúng ta có nhiều trường nông nghiệp đào tạo osin để cung cấp cho thành thị, Hội Nhà văn VN ngày xưa cũng đã từng có một trung tâm như thế. Chúng ta chưa chuyên nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)