Chỉ thị của Ban bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, lễ hội đón Tết Nguyên đán, vui xuân Ất Mùi, các sự kiện, ngày lễ lớn trong năm 2015 và những năm tiếp theo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm... Phía Bộ đã có những chuẩn bị gì để thực hiện chỉ thị này?
- Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây nhận thức của người tham gia lễ hội đã có chuyển biến theo từng năm. Ngành chức năng, báo chí đã góp phần tích cực phát hiện ra đâu là nguyên nhân của những sự bất cập trong tổ chức, quản lý lễ hội, không chỉ thuộc riêng của ngành quản lý văn hoá thể thao và du lịch mà cả ở địa phương, tại nơi có những di tích, đình, chùa, đền, nơi người dân đi lễ. Đặc biệt là ý thức của người tham gia lễ hội.
Năm nay, công tác quản lý lễ hội có một điểm mới, đó là Chỉ thị số 41- CT/TW của Ban Bí thư. Với văn bản này, Bộ VHTTDL là cơ quan tham mưu, chúng tôi nhận thấy trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội những năm vừa qua đã có sự thay đổi lớn, như lễ hội Đền Trần (Nam Định) không còn cảnh cướp ấn lộn xộn... Tuy nhiên ở đâu đó vẫn còn những hiện tượng như báo chí phản ánh là “quan hoá” lễ hội, “nhà nước hóa” lễ hội.
Chúng ta cần phải phân tích rõ rằng, lễ hội là nơi tập trung đông người, chuyện chen chúc là không tránh khỏi. Trong khi các di tích lịch sử, di tích danh lam thắng cảnh ở Việt Nam đa số con đường dẫn vào đều rất nhỏ...
Việc lễ hội quá tải người tham gia là điều năm nào cũng xảy ra, vậy tại sao ngành văn hóa không lường trước được để xử lý linh hoạt hơn?
- Một di tích bình thường sức chứa chỉ vài trăm người, trong khi đến mùa lễ hội một ngày có thể lên đến vài nghìn khách hành hương về lễ và thăm quan. Một lễ hội với số lượng người tăng vọt gấp 10 lần thì công tác quản lý của ban quản lý lễ hội vẫn còn những bất cập, sai sót là điều không thể tránh khỏi. Sự bất cập, sai sót vẫn xảy ra một phần bởi cơ quan quản lý ở địa phương, ban quản lý di tích, thủ nhang ở đền chưa nghiêm, chưa thực hiện đúng các quy định.
Trong chỉ thị nêu rõ 2 điểm quan trọng, đó là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, không tham dự lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Bên cạnh đó cần giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Quan điểm của Bộ VHTTDL về những chỉ đạo này?
- Theo tôi, trong chỉ thị đã nhận định các loại hình lễ hội ở ta được tổ chức với tần suất cao, mật độ dày là hoàn toàn chính xác. Việc tổ chức lễ hội của chúng ta còn thiếu tính sáng tạo và hấp dẫn, gây quá tải ở một số điểm di tích, khu danh thắng, nơi tổ chức lễ hội. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội có nhiều bất cập, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa tốt.
Ngoài ra, còn tình trạng đốt nhiều hàng mã, đặt tiền lễ không đúng quy định còn phổ biến; vệ sinh môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng không tốt mỹ quan nơi thờ tự, xâm hại di tích, công trình tín ngưỡng. Việc tổ chức lễ hội có biểu hiện phô trương với nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém; có xu hướng thương mại hoá và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Đặc biệt như báo chí phản ánh là việc “quan hoá, nhà nước hoá” là do một số nơi tổ chức lễ hội mời cán bộ, lãnh đạo quản lý tham dự lễ hội chưa thực hiện tốt các quy định đã ban hành.
Và nguyên nhân dẫn đến những bất cập, những vấn đề không hay trong lễ hội như thế này là bởi cơ quan quản lý còn buông lỏng, thiếu sâu sát. Thiếu kiên quyết, những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý trước lễ hội không được ngăn chặn kịp thời. Chính vì vậy năm nay Bộ VHTTDL sẽ quyết tâm thực hiện, làm mạnh và nâng cao nhận thức bắt đầu từ những lễ hội mang tầm cỡ toàn quốc như lễ hội chùa Hương; đền Bà Chúa Kho; đền Trần… hay như trong Nam có lễ hội Bà Chúa xứ núi Sam, Bà Đen… Những lễ hội này sẽ được đưa vào “tầm ngắm” để thực hiện quyết liệt. Tôi cũng mong ngoài cơ quan quản lý của nhà nước còn có sự vào cuộc của báo chí để trả lại ý nghĩa của lễ hội là ngày vui của toàn dân.
Nhiều năm nay tại các điểm lễ hội, các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ, lệ phí, lưu hành ấn phẩm văn hoá trái phép vẫn diễn ra, nhiều cá nhân thì lễ hội để tăng giá, ép giá người dự hội. Vậy Bộ sẽ có những biện pháp xử lý, chế tài mạnh như thế nào nếu vẫn tái vi phạm?
- Chúng tôi sẽ áp dụng Chỉ thị số 41 của Ban Bí thư; sẽ chiếu theo quy định có những chế tài cao nhất, mạnh nhất mà Chính phủ đã ban hành đối với những nơi vi phạm, đặc biệt là những nơi tái vi phạm như là còn đốt vàng mã để lấy tiền, khấn thuê, lễ mướn gây phiền nhiễu ở đền Bà Chúa Kho; Việc chặt chém khách đi đò, gửi xe, treo thịt động vật rừng ở Chùa Hương…
Ngoài ra năm nay, Bộ cũng quyết liệt hơn nữa trong việc tăng cường, thanh tra, kiểm tra xử phạt. Sau những nhắc nhở, khuyến cáo mà hộ kinh doanh dịch vụ tại lễ hội vẫn tái vi phạm thì ngoài xử phạt hành chính, chúng tôi sẽ có hình thức xử phạt cao nhất là cấm vĩnh viễn hộ kinh doanh đó không được tham gia kinh doanh tại lễ hội đó.
Vừa qua tại hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, Bộ đã nhấn mạnh đến vấn đề đốt vàng mã nhiều gây lãng phí và ô nhiễm môi trường tại các lễ hội lớn. Vậy để xử lý dứt điểm vấn đề này, năm nay về công tác quản lý có điều gì nổi bật?
- Vừa qua, Bộ đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế của các thứ trưởng tại các nơi lễ hội lớn như đền Bà Chúa Kho, Đền Mẫu tại Lạng Sơn… Tại đây, các thứ trưởng đã đưa ra những khuyến cáo tại địa phương về việc hạn chế đốt vàng mã với hai lý do, thứ nhất chống lãng phí, thứ hai sẽ nếu không xử lý được sẽ trở thành vi phạm, bởi vấn đề này đã có văn bản hướng dẫn quản lý của cơ quan nhà nước. Đoàn cũng đã trao đổi với ban quản lý di tích, chủ thủ nhang, của từng nơi cần tuyên truyền tích cực hơn nữa thông qua băng rôn, biểu ngữ treo tại cổng đền, chùa, di tích cũng như nói trên loa đài để nhắc nhở người dân.
Xin cảm ơn ông!