Theo chân nhà thơ Hoàng Liên Sơn vốn thổ công đất Thái Bình đi bộ vào một con ngõ nhỏ. Dừng trước cổng nhà số 10. Nghe tiếng gọi, Đỗ Trọng Khơi bảo cứ đẩy cổng vào, rồi ra cửa sổ lấy chìa khóa để mở cửa vào nhà. Thì ra, khi vợ đi làm, bao giờ cũng khóa cửa lại, rồi giao cho Đỗ Trọng Khơi cầm chìa khóa ở nhà. Nếu là bạn thân đến, cứ đẩy cổng vào mà nhận chìa khóa qua cửa sổ. Còn nếu kẻ lạ mặt nào đẩy cổng vào thì yên tâm, đố cậy cửa mà vào nhà được, còn ngoài sân cũng chả có gì để mất.
Tay bắt mặt mừng. Căn phòng nho nhỏ Khơi nằm, đầu giường là sách, báo, bên cạnh là cái máy tính, trên tường phía cuối chân giường là một chiếc ti-vi. Tiếng nhạc vang lên từ máy computer. Nghĩa là đủ cả. Nhờ công nghệ mà cả thế giới đã có mặt trong căn phòng nhỏ của nhà thơ không may bại liệt.
Tôi bảo: “Đỗ Trọng Khơi là một “tiền đạo” trong làng thơ Thái Bình đấy!”. Khơi hỏi ý anh là thế nào? “Thì đấy thôi- tôi trả lời - số 10 thường là số của các danh thủ tiền đạo nổi tiếng trong làng bóng đá thế giới, kể cả trong nước. Thế không ai nói với ông điều ấy à”?
Khơi cười vang. Anh cho biết, ban đầu nhà anh được đánh số 9, bên lẻ. Sau một hồi thành phố cho cải tạo, xây lại đường xá, bỗng nhiên lại được đánh số 10, bên chẵn. Tôi tán thêm: thì hóa ra, với Đỗ Trọng Khơi, số 10 như một định mệnh. Mà kể cũng phải thôi, thơ Thái Bình hiện giờ ông không là tiền đạo thì còn ai vào vị trí ấy được nữa nào; mà sinh ra cái anh tiền đạo là để sút, ghi bàn thắng. Cho nên sứ mệnh của ông còn ghi thêm nhiều bàn nữa…Nghe thế, tất cả cười rổn rảng. Cuối chiều, trời hoe hoe nắng. Ai đó bảo ấm lên thế này thì ngày mai thể nào giời cũng giở gió mùa đông bắc…
Ngồi chưa ấm chỗ, Đỗ Trọng Khơi đã gọi điện thoại váng nhà. Nào nhà văn Đức Hậu (nguyên Chủ tịch Hội VN Thái Bình), nào nhà văn Đặng Thành Văn hiện trưởng ban văn học của Hội, nào bạn thơ này, bạn văn nọ, bạn học kia... Tôi bảo ông bạn ơi, cũng không nhất thiết phải đông quá đâu, nhà thì chật, rồi lại khổ lây vợ con ông.
Khi mọi người đến cũng tạm coi là đông đủ theo ý của chủ nhà, đồ nhắm đã sẵn sàng, lúc đó chị Oanh vợ nhà thơ mới gọi nhà thơ chuẩn bị ra mâm rượu. Tôi thấy cái xe lăn đã để sẵn bên mâm, chính giữa đầu bàn như thể vị trí của các sếp ngồi điều hành cuộc họp. Chị Oanh vào bế nhà thơ ra mâm. Tôi định chạy theo xem có cần giúp gì không, chị Oanh bảo chỉ có em mới bế được nhà em ra thôi, quen rồi.
Đỗ Trọng Khơi quàng hai tay vào cổ vợ như đu lên. Trông có vẻ bé nhỏ, mà chị bế chồng cứ nhẹ như không. Cái tấm thân của ông nhà thơ cũng đâu nhẹ nhàng gì cho lắm. Ấy thế mà cái sự bế ấy ngày nào cũng vậy, đã mấy chục năm rồi. Một câu thơ của Đỗ Trọng Khơi từ đâu chợt đến: “Muốn trèo lên nắng mà đi/ Muốn đu lên gió mà về với nhau”. Không biết khi hồn thơ này đu lên gió thì thế nào, chứ lúc này trông rõ ra là hai cánh tay tin cậy đang đu trên đôi vai bé nhỏ của người bạn đời tận tụy. Rõ ràng trên gương mặt nhà thơ đang sáng lên hạnh phúc.
Toàn là những con người phi thường cả. Họ không khuất phục những rủi ro bất hạnh. Họ không chịu gục ngã. Một người khỏe mạnh bình thường sống ở đời đã muôn phần vất vả. Nhưng những con người này đã vất vả hơn gấp trăm lần. Mỗi áng văn có được ở người viết bình thường cũng đã là những cuộc chữ cam go, nhưng với những con người này, họ còn cam go gấp nghìn lần. Họ đã “vịn những câu thơ mà đứng dậy”. Cái Đẹp chiến thắng. Hay nói đúng hơn, Cái Đẹp mà họ đã kiến tạo từ niềm tin và tài năng của chính họ đã chiến thắng. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: tại sao Tạo hóa lại trêu ngươi con người đến vậy? Phải chăng Tạo hóa cũng lắm khi đỏng đảnh và nhầm lẫn?...
Cuộc tất niên sớm cũng vào hồi kết. Chúng tôi trở về khách sạn. Chốc chốc Khơi lại gọi, lại hỏi có say không, có mệt không, lại còn xuýt xoa cảm ơn này nọ. Đến tận cả ngày hôm sau, trên con đường rời xa Thái Bình, chốc chốc Đỗ Trọng Khơi lại gọi, lại nhắn tin, lại xuýt xoa cảm ơn hôm qua vui quá, cảm động quá…
Thì ra Khơi đang nằm một mình, Khơi đang nhớ bạn. Cái khoảng trống sau những cuộc ồn ào đối với ai cũng đáng sợ, nhưng đối với Khơi đáng sợ hơn.
Ban ngày vợ đi làm, con gái lớn đi học, hai cậu bé con đi nhà trẻ, Khơi lại một mình một bóng nằm trên chiếc giường kê cạnh cửa sổ. Tiếng của cuộc sống bên ngoài đủ loại vọng vào. Tiếng của thẳm sâu từ tầng tầng tâm trí nhà thơ dội lại… Những lúc như thế, Đỗ Trọng Khơi đã có những vần thơ đẹp nhất, lay động nhất.