Dân Việt

Hành trình đấu tranh “là chính mình” của 9x đồng tính

Thúy An 09/02/2015 13:51 GMT+7
Khi hiểu đồng tính là 1 khuynh hướng tình dục bình thường, Vũ Thanh Phong, sinh viên khoa Công tác xã hội, ĐH Thăng Long bình thản chấp nhận bản thân và come-out với gia đình, bạn bè.

Phong tự nhận mình là người may mắn, sau khi come-out (công khai giới tính thật), cậu không gặp “bất trắc” nào từ phía gia đình, xã hội. Nhưng để đi đến quyết định dũng cảm đó, Phong đã đấu tranh gay gắt với bản thân.

img

Vũ Thanh Phong. Ảnh: NVCC.

Hành trình comeout

Lớp 10, Phong nhận ra sự lỗi nhịp con tim khi chạm ánh mắt 1 cậu bạn trong lớp. Phong hiểu là mình đang yêu. Cậu không dám thổ lộ vì nghĩ tình yêu với người cùng giới chẳng đi đến đâu. Mối tình đơn phương kéo dài suốt 3 năm THPT. Cùng thời gian đó, Phong tìm hiểu về đồng tính. Khi hiểu đồng tính là 1 khuynh hướng tình dục bình thường, Phong bình thản chấp nhận bản thân.Với Phong, đó là sự bình thản đơn độc. “Tôi giữ kín bí mật này. Bởi nhiều người coi đồng tính là bệnh hoạn, biến thái, dị hợm. Đồng tính là bất thường với mọi người xung quanh”.

Bí mật được chôn chặt suốt thời phổ thông. Dần dần, Phong nhận ra nhiều người kì thị, phân biệt đối xử với người đồng tính là do thiếu hiểu biết. Việc người đồng tính “không dám là mình” cũng là trở ngại trong xóa bỏ rào cản kì thị.

Phải sống trong một vỏ bọc khác khiến Phong đau khổ. “Tôi khát khao được sống đúng với giới tính của mình, được là chính mình”, Phong nói.

Phong muốn thay đổi suy nghĩ, nhận thức của mọi người về cộng đồng LGBT. Cậu tâm sự: “Tôi học cách sống trung thực. Tôi nghĩ sự trung thực là nền tảng của thấu hiểu và tin tưởng. Điều ấy có nghĩa tôi cần công khai giới tính thật”.

img

Vũ Thanh Phong và bạn bè. Ảnh: NVCC

Phong đấu tranh gay gắt với bản thân vì suy nghĩ này. Cậu mường tượng thái độ, hành động tiếp nhận của những người xung quanh khi biết sự thật: “Tôi sợ bố mẹ đau khổ, sợ xã hội kì thị, sợ mình bị cô lập ở lớp, ở trường, thành tâm điểm của trêu chọc. Nhưng nếu chọn im lặng, thì có nghĩa tôi đã đầu hàng bản thân, phó mặc cho những điều chưa đúng tiếp tục tồn tại…”

Ban đầu, Phong come-out với những người bạn thân. Bạn bè bất ngờ nhưng khi nghe Phong giải thích, tâm sự đều đồng cảm và ủng hộ Phong. Vào ngày cuối cùng của cấp 3, Phong come-out với tất cả bạn bè.

Khó khăn lớn nhất và khiến Phong đau đầu nhất là công khai giới tính thật với gia đình. Phong mất ngủ nhiều đêm nghĩ về sự đau khổ của bố mẹ. Cậu chuẩn bị mọi thứ về tài liệu, tâm lí, cách giải quyết nếu gia đình không chấp nhận.

Phong nhớ như in buổi tối đó. Cậu lưỡng lự trước phòng mẹ, nhiều lần định gõ cửa, nhiều lần bỏ về phòng riêng. Hít 1 hơi thở thật sâu, khi quyết định nói: “Mẹ, con là người đồng tính”, Phong không quên được cảm giác: “Người tôi nóng bừng, tim đập loạn xạ. Cả căn phòng yên lặng đến rợn người, mỗi giây như cả thiên niên kỉ trôi qua”.

Phong vẫn nhớ ánh mắt mẹ khi ấy: ngạc nhiên, thảng thốt. Mẹ hỏi Phong nhiều câu hỏi như: đồng tính là gì? Sao con lại nói thế? Mẹ im lặng nghe Phong giải thích rồi bảo Phong trở về phòng. Lúc đó bố Phong cũng vừa về.

Đêm đó, Phong mất ngủ. Phong nghĩ đến những ngày sắp tới. Sáng hôm sau, Phong dậy sớm, chuẩn bị sẵn tinh thần đón cơn thịnh nộ của bố mẹ. Nhưng không, Phong thực sự sốc. Mẹ nói bố mẹ đã lên mạng tìm hiểu. Bố mẹ chấp nhận việc Phong là người đồng tính. Điều đó khiến Phong quá bất ngờ: “Cứ như bao nhiêu may mắn của người đồng tính trên thế giới đều đổ dồn vào tôi”.

img

Vũ Thanh Phong và bạn trong ngày hội Tôi đồng ý. Ảnh: NVCC.

Những ngày tiếp theo thực sự là chuỗi ngày hạnh phúc. Phong đi khoe với tất cả mọi người việc come-out được bố mẹ chấp nhận. Phong come-out với bất cứ ai cần phải biết nếu có mối quan hệ với mình, không quan tâm họ phản ứng ra sao, có kỳ thị mình không.

Đấu tranh cho cộng đồng LGBT

Từ trường hợp cụ thể của mình, Phong nhận ra: “Việc bản thân thuộc giới tính nào không quan trọng bằng việc mình sống ra sao, như thế nào. Chính cách hành xử hàng ngày mới nói lên giá trị con người bạn và quy định ngược lại sự ứng xử mọi người dành cho bạn”.

Sau khi công khai, Phong tham gia các hoạt động đấu tranh cho cộng đồng LGBT. Phong mong muốn thông qua những hoạt động này, những người còn giữ thiên kiến về người đồng tính có sự thay đổi trong nhận thức. Những người thuộc cộng đồng LGBT có thêm động lực để công khai, được là chính mình.

Ngay năm nhất đại học, Phong tham gia nhóm cộng tác viên của Trung tâm ICS Hà Nội (Tổ chức bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT - PV). Phong là thành viên tích cực của ICS ngay từ những ngày đầu trung tâm mới được thành lập ở Hà Nội. Các hoạt động tạo tiếng vang lớn của ICS như nhảy Flashmob “Yêu là yêu” thu hút hàng trăm bạn trẻ, công diễn vở kịch “Được là chính mình” tại Nhà hát Tuổi trẻ,… Phong đều tham gia với vai trò cộng tác viên.

img

Vũ Thanh Phong come-out và được sự đồng cảm của bạn bè, người thân. Ảnh: NVCC.

Phong tham dự các buổi talkshow tại các trường để tuyên truyền về LGBT. Phong cùng nhóm bạn làm phim ngắn, đưa lên mạng xã hội để mọi người hiểu hơn về người đồng tính. Là sinh viên ngành Công tác xã hội, các đề tài tiểu luận, cuối kì của Phong đều xoay quanh các vấn đề về người đồng tính như: “Đặc điểm tâm lí của nhóm người đồng tính tại Việt Nam”, “Công tác xã hội với mẹ của người đồng tính nam”.

Phong cho biết: “Quá trình tổ chức sự kiện, rất nhiều lần tôi buồn, thất vọng vì sự kì thị với cộng đồng LGBT ở nhiều người vẫn còn nặng nề. Nhưng thực tế, qua những phong trào này, tôi nhận thấy, so với nhiều năm trước, xã hội đã cởi mở hơn với những người thuộc cộng đồng LGBT và càng ngày càng nhiều người đồng tính công khai, “dám là chính mình”,…”