Dân Việt

Khi rồng khổng lồ mừng đại lễ thành... củi khô

09/02/2015 13:49 GMT+7
Sau trưng bày, con rồng mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được mang về đặt trong sân trụ sở UBND huyện Sông Hinh từ đó đến nay... Khi PV hỏi đến, lãnh đạo huyện cho biết: “Bây giờ nó chỉ là đống củi khô, chúng tôi đang định dọn đi để kịp đón Tết”.

Trong số hàng trăm món quà kỷ niệm Đại lễ, 81 quà tặng đã được trưng bày trong triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội vào tháng 10.2010, nhiều hiện vật độc đáo như: Thiên long Việt đồ, Hồn thiêng Đại Việt, rồng khổng lồ... đều “mang đến lại mang về” chứ không được Hà Nội nhận và bảo quản, trưng bày.

Tại triển lãm này, bên cạnh những món quà “nhỏ” mừng sinh nhật rất bình dị và ý nghĩa như: Cuốn sách Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta của các bà Nguyễn Thị Hợi và Nguyễn Kim Anh; cờ Đảng và quốc kỳ được kết từ 1.000 bông hoa; mô hình Lán Nà Lừa (của tỉnh Tuyên Quang); cuốn sách Chiếu dời đô; chiếc áo dài Việt Nam kết bằng tóc của phụ nữ các dân tộc Việt Nam, hay bản đồ Việt Nam làm bằng đất lấy từ 63 tỉnh thành...; là những món quà “to” kỷ lục, những món quà đặc biệt, độc đáo “có một không hai”.

Bên cạnh Cội xưa là Bức tranh thêu tay dài nhất Việt Nam Hồn thiêng Đại Việt (dài 33,3m, rộng 3,3m nặng 250kg, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng) do nhóm tác giả là họa sỹ Nguyễn Phúc Khôi; Đỗ Như Điềm và Công ty Đông Thành (tỉnh Ninh Bình) thực hiện. Với nội dung ca ngợi các vị anh hùng dân tộc thời Đinh-Tiền Lê và Lý, bức tranh được chia làm 7 chương: Cờ lau tập trận/Thống nhất giang sơn/Đại lễ đăng quang/Hồn thiêng Đại Việt/ Trao áo long bào/Bạt Tống, bình Chiêm/ Dời đô hưng quốc.

img

Một phần bức tranh Hồn thiêng Đại Việt dài nhất Việt Nam

 

Bà Nguyễn Thị Tự, chủ sở hữu bức tranh cho biết: “Ngày ấy, khi mang tranh ra Hà Nội trưng bày, bà con đến xem đông lắm. Kết thúc triển lãm vài ngày chúng tôi mới tháo rỡ tranh mang về, nhưng bà con vẫn còn hẹn ngày mai sẽ đến xem”.

Khi được hỏi “quà tặng” đại lễ sao lại mang về?, bà Tự nói: “Có ai lấy đâu mà tặng. Mang tranh đến cũng không ai bảo gì, về cũng không ai nói gì. Từ khi mang về nhà, năm nào tỉnh Ninh Bình cũng mượn trưng bày những dịp quan trọng, nhưng cũng không thấy ai đề nghị nhận...”

Món quà độc đáo khác là bức Thiên long Việt đồ (tấm bản đồ Việt Nam được ghép từ 1.000 con rồng) có dáng một con rồng lớn hướng ra biển Đông (cao 6m, rộng 3m) do nghệ nhân Ngọc Minh (Quảng Nam) khởi xướng cùng nhóm thợ chạm khắc thực hiện trong thời gian ba năm với số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hai lần mang ra Hà Nội trưng bày phục vụ đại lễ, bản thân tác giả đều phải tự bỏ tiền túi ra để vận chuyển. Hiện Thiên long Việt đồ được chủ nhân đặt trong khu hoa viên nhà mình phục vụ du khách thăm quan di tích Mỹ Sơn. “Nếu Hà Nội có chỗ trưng bày phù hợp, muốn có tác phẩm này để phục vụ công chúng, chỉ cần gửi công văn tới lãnh đạo tỉnh Quang Nam, tôi luôn sẵn sàng tặng tác phẩm của mình”, ông Ngọc Minh nói.

img

Tác phẩm Thiên Long Việt đồ 

Một món quà khác tác phẩm gỗ lũa hình rồng khổng lồ (dài 9m, cao 3,6m, nặng 2 tấn) do ông Nguyễn Đình Vượng và các nghệ nhân huyện Sông Hinh (Phú Yên) chế tác từ rễ gỗ hương tặng đại lễ. Nhưng chẳng biết vì sao, sau trưng bày, con rồng được mang về đặt trong sân trụ sở UBND huyện Sông Hinh từ đó đến nay... Khi PV TT&VH hỏi đến, lãnh đạo huyện cho biết: “Bây giờ nó chỉ là đống củi khô, chúng tôi đang định dọn đi để kịp đón Tết”.

img

Gỗ lũa hình rồng mừng sinh nhật đại lễ như đống củi khô ở trụ sở UBND huyện Sông Hinh, Phú Yên. Ảnh HL.

 

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, những tặng phẩm mừng đại lễ của các cá nhân thì đương nhiên phải do các cá nhân tự quyết định. Tuy nhiên, với những món quà độc đáo, chất lượng cao thì Hà Nội cần có hình thức khen thưởng xứng đáng và lưu giữ một hợp lý để con cháu đời sau biết tình cảm của người dân khắp nơi với Thủ đô Hà Nội.

Những quà tặng được vinh danh

Theo tìm hiểu của PV, có nhiều “món quà” được vinh danh như: Thần Kim Quy (kích thước 3,3m x 2,6m x 1,36m, nặng gần 4 tấn) được nghệ nhân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng) làm theo mẫu cụ rùa đền Ngọc Sơn, được Sở VH, TT&DL Hà Nội tổ chức lễ rước long trọng từ Bát Tràng (Gia Lâm) về Đền Ngọc Sơn.

img

Thần Kim Quy được rước long trọng từ Bát Tràng về Hà Nội

 

Hoàng tráng nhất có lẽ thuộc về bức tranh Ước nguyện ngàn năm (kích thước bình thường: dài 4m, rộng 3m, thêu những bông sen giữa hồ sen bát ngát). Tranh được rước từ TP Đà Lạt đi qua 16 tỉnh thành đến Hoàng Thành Thăng Long thực hiện nghi lễ dâng hương, nghi lễ trao tặng cho Hà Nội. Sau đó tác phẩm được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.