Dân Việt

Giai điệu tự hào: Vì sao khen có, tán thưởng có nhưng nhận không ít "gạch đá"?

Thanh Hà 22/02/2015 09:00 GMT+7
Nhạc sĩ Thụy Kha đã chia sẻ với PV Dân Việt những thông tin quanh chuyện "bếp núc" của chương trình "Giai điệu tự hào" nhân dịp đầu năm mới.

img

Nghệ sĩ Kiều Hưng và ca sĩ Anh Thơ biểu diễn trong chương trình Giai điệu tự hào số tháng 7.2014

Thưa nhạc sĩ chương trình Giai điệu tự hào đã đi qua một năm, và nhiều số của chương trình đã nhận không ít lời khen, sự tán thưởng, nhưng đồng thời ở một số của chương trình cũng đã nhận được không ít “gạch đá”. Đặc biệt những bài hát quen thuộc được làm mới như “Đi học”, “Tàu anh qua núi”, “Lên ngàn”… Là người xây dựng chương trình, nhạc sĩ có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về điều này?

- Chương trình Giai điệu Tự hào là chương trình được Đài THVN mua bản quyền của chương trình truyền hình Tài sản quốc gia, truyền hình Nga.

Khi Giai điệu tự hào về Việt Nam đã có sự thay đổi, được xây dựng tại Việt nam đã có sự thay đổi về format với khẩu hiệu “Âm nhạc đồng hành cùng dân tộc” nhưng đặc trưng của Giai điệu tự hào. 

Tuy nhiên nét đặc trưng của chương trình này là phần tọa đàm của các vị khách mời bình luận thuộc hai thế hệ đối lập già và trẻ. Sau mỗi tiết mục biểu diễn, họ chia sẻ những quan điểm cá nhân về bài hát, về ký ức văn hóa xã hội. 

Bởi có những trải nghiệm và quan điểm khác nhau nên những cuộc đối thoại, phản biện lúc tương đồng, khi lại mâu thuẫn đến nảy lửa vẫn được BTC chương trình giữ lại và phát huy điểm thú vị đó.

BTC chương trình đều thống nhất, mục đích và ý nghĩa của Giai điệu tự hào là tạo được sự tranh luận, phản biện nhiều, tạo sức hấp dẫn, sức nóng đối với khán giả.

Chính vì vậy mà khi ngoài những ca khúc được phối theo cách cũ, là những ca khúc được phối theo cách mới như “Đi học”; “Lên ngàn”; “Tàu anh qua núi”…đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, cũng bởi mọi người chưa hiểu hết format của chương trình.

Chương trình ngoài mục đích nhằm tôn vinh những bài hát, những ca khúc sống cùng năm tháng và đã được công chúng đón nhận và thuộc nằm lòng thì chương trình cũng tạo ra cách nhìn mới, cách cảm nhận của giới trẻ cho những bài hát đi cùng năm tháng đó. Họ, những người trẻ sẽ có sự cảm thụ, sẽ đưa hơi thở, cuộc sống hiện đại vào trong ca khúc theo sự sáng tạo của riêng họ. Ví dụ như với bài hát “Tàu anh qua núi”, “Lên ngàn”.

Còn với ca khúc “Đi học” lại khác. Đây là ca khúc được nhạc sĩ Quốc Trung đã phối theo đúng với bản gốc của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, phổ thơ Minh Chính. Theo bản gốc, lần đầu tiên phối “Đi học” được sáng tác theo nhịp ¾. Nhưng khi giọng ca nữ đầu tiên hát bài này là Minh Hà đã hát theo nhịp 3/7. 

Ngày đó công nghệ chưa phát triển và cũng chưa có nhiều người phối cũng như sản xuất âm nhạc, vì vậy, dường như chị Minh Hà đã hát theo bản năng, cảm thụ giai điệu ca khúc theo cách của riêng mình. Và khán giả từ đó nghe quen, nên giờ hát theo bản phối của Quốc Trung mọi người mới thấy lạ và cho là phá cách, là làm sai với bản gốc không tôn trọng tác giả.

Ở số chương trình thứ 4 nhạc sĩ có hứa, số tiếp theo của Giai điệu tự hào sẽ được làm ở tỉnh, để được gần hơn với công chúng, với người nông dân. Thế nhưng đến nay đã hết một năm mà điều đó chưa được thực hiện. Nhạc sĩ có thể cho biết lý do?

- Một chương trình truyền hình thực tế phải cần đến trường quay, phải tạo sân khấu đi kèm với rất nhiều thứ, trong đó phải kể đến như thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, màn hình, loa, điện phát sáng…trong khi nếu về địa phương tất cả những điều đó không thể đáp ứng cho một chương trình truyền hình thực tế.

Chúng tôi cũng đã có một số chủ đề về người nông dân và mời ông Nguyễn Hữu Định làm nghề chữa xe đạp, sống ở ngầm cầu nuôi 4 con ăn học đại học, là đại diện cho tầng lớp nông dân lên làm khách mời của chương trình.

Kết thúc một năm của Giai điệu tự hào, kết thúc một năm làm cố vấn cho chương trình, nhạc sĩ có thể chia sẻ về hậu trường, chuyện “bếp núc” của chương trình?

- Chương trình Giai điệu tự hào đến nay đã đi qua 12 tháng với 12 số và vừa rồi đã bước sang số thứ 2 của năm 2015. Phải nói là có quá nhiều kỷ niệm, niềm vui, cũng như đôi chút bức xúc nào đó khi gặp phải “gạch đá” hay sự phản biện chưa được thuận tai. 

Mặc dù là người cố vấn và kiểm duyệt cuối cùng, nhưng tôi luôn luôn yên tâm và tin tưởng khi có hai nghệ sĩ trẻ sát cánh cùng tôi trong chương trình. Đó là nhạc sĩ Quốc Trung và nhà văn, nhà biên kịch Phan Huyền Thư. 

Phan Huyền Thư là người chịu trách nhiệm dựng kịch bản, nhạc sĩ Quốc Trung là người lo về âm nhạc, chọn bài, phối khí, ca sĩ…sự tin tưởng đó khiến tôi cũng như khán giả, chỉ đến khi ngồi quay, ghi hình mới biết nhạc sĩ Quốc Trung phối khi bài này như thế nào, theo phong cách nào. 

Tôi vẫn còn xúc động và ấn tượng mãi trong số tháng 7 với chủ đề “Xa khơi”, nhạc sĩ Quốc Trung phối khí ca khúc “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ theo phong cách nhạc bolero. Đặc biệt là đoạn “..Ôi mênh mông sóng xô, thuyền ta ra xơ bờ…” mới thấy hết sự sáng tạo và tài năng của Quốc Trung. Tôi không kìm được cảm xúc đã phải thốt lên với NSND Trung Kiên, con ông quá giỏi khi vẫn giữ được chất âm hưởng của dân ca ví, giặm nhưng lại biết thổi hồn của phong cách nhạc bolero vào ca khúc, tạo nên sự mới mẻ, cách cảm thụ khác cho khán giả.

Vậy bước sang năm mới, để tạo sức hút, cũng như tính hấp dẫn của chương trình, nhạc sĩ có thể chia sẻ về kế hoạch sắp tới?

- Để tạo tính hấp dẫn, Giai điệu tự hào năm 2015 sẽ tăng tính phản biện không chỉ với những vị khách mời của hai thế hệ, mà chương trình còn tạo cho khán giả thấy mình là một phần của chương trình thay vì đứng ngoài “dòm vào” như trước đây.

Với format mới, khán giả sẽ là đối tượng tương tác trực tiếp với chương trình cùng với các vị khách mời. Giai điệu tự hào 2015 sẽ có nhiều hình thức tương tác để khán giả lựa chọn như thông qua các trò chơi, các bài viết cảm nhận về các tiết mục, các ý kiến khách mời. Thậm chí, khán giả còn có quyền cover lại các ca khúc đã hoặc sẽ phát sóng thành các video để gửi về chương trình dự thi, giao lưu.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!