Dân Việt

Lê Tiến Vượng mang hồn quê ra phố

Tạ Duy Anh 10/02/2015 07:59 GMT+7
Sau hàng chục năm, kể từ khi tập thơ “Khách muộn của mùa thu” ra đời, Lê Tiến Vượng mới lại có thơ in thành tập. Một sự thận trọng, tôn trọng thơ ca rất đáng nể, bởi có “dính” vào với nghệ thuật vần điệu thì mới thấy đó hóa ra là việc rất khó.

img
Nhà thơ Lê Tiến Vượng. Ảnh: T.D.A

Lần xuất hiện này của Lê Tiến Vượng từ đầu đến cuối đều là thơ lục bát với tập “Lục bát bên đời”. Làm thơ lục bát có thể dễ, nhưng để có thơ lục bát hay, luôn là thậm khó. Bằng chứng tiếp theo là rất ít người thành danh chỉ ở thể loại thơ này... Chắc chắn Lê Tiến Vượng biết nghiệt lệ đó. Nhưng sở dĩ ông dám vượt qua, bỏ ngoài tai mọi lời cảnh báo, trước hết vì ông không định mưu cầu điều gì lớn lao khi vần hóa những suy nghĩ miên man của ông về muôn sự ở đời, vẫn diễn ra ngày ngày. Ông chỉ mong nói được nỗi lòng mình và mong người khác nghe thấu, để tìm một chút thư thái, một chút chia sẻ với những điều “nặng gấp trăm lần thể xác” chẳng mấy ai mang nổi một mình.

Có thể nói những bài thơ lục bát của Lê Tiến Vượng giống như những mảnh hồn quê luôn được ông bồi đắp, nâng niu chăm chút và cứ đầy sóng sánh, ở mức mấp mé tràn bờ, chỉ cần bắt gặp chút xúc tác là lập tức trào ra. Vì thế, dễ dàng nhận thấy trong tập thơ hoàn toàn vắng bóng thứ được gọi là kỹ thuật. Nó là nguyên khối của một ký ức bền bỉ bám theo con người, bất chấp mọi biến động của thời cuộc. Chúng, những bài thơ ấy, mang vẻ bề ngoài mộc mạc, thật thà nhưng ẩn giấu bên trong một thứ duyên thầm chỉ trời cho thì mới được. Chẳng hạn như câu thơ sau đây: Gầu sòng ai bắc lênh khênh/Đêm trăng múc cả lênh đênh cuộc đời

Hoặc: “Ai giờ về bến sông quê/Muốn nghe chèo cổ thì về... Ngày xưa”. Bài thơ “Quê tôi” cũng vậy: “Quê tôi giờ vắng đìu hiu/Người ta ra phố sớm chiều bán mua/Mồ hôi đổ ướt cơn mưa/Bóng cha nhấp nhổm xích lô bụi đường/Dáng mẹ quang gánh tinh sương/Tiếng rao rát cả con đường sắn khoai…”.

Đọc thoảng qua chỉ thấy sự thú vị, hay hay. Nhưng đọc trong một tâm cảnh cụ thể nào đó, gắn với những gì đang diễn ra... sẽ cảm nhận nó ở một chiều sâu khác, sẽ thấy lo lắng cho những gì đang tạo nên cái gọi là tinh thần, là tâm hồn. Ta gặp lại Thị Kính, Thị Mầu, Mỵ Nương, Trương Chi, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Yêu tinh, Thạch Sanh, Nàng Tô Thị... nhưng không giống như họ đã ngự trong tâm hồn ta, mà như những chứng nhân của một không gian sinh tồn, không gian văn hóa, không gian sinh thái... đang biến đổi và biến dạng. Thêm một nét thú vị trong món “quà quê” nhiều hương sắc có tên là “Lục bát bên đời”.