Về ngày "mùng 3.3", dân tộc Lê có một truyền thuyết hấp dẫn. Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, nước lũ lan tràn, nhấn chìm hết cả trái đất, chỉ còn lại một đôi nam nữ - Thiên Phi và Quan Âm. Họ ôm chặt lấy một quả bầu trên mặt nước, rồi phiêu dạt đến đảo Hải Nam xa xôi hẻo lánh. Ngày mùng 3.3 năm ấy, hai người cùng nhau hát đối để thổ lộ tâm tình, rồi kết duyên vợ chồng và sinh ra con cháu dân tộc Lê.
Cứ đến mùng 3.3, đồng bào dân tộc Lê ở thành phố Đông Phương (Hải Nam) đều mặc trang phục ngày tết, mang theo rượu nếp Sơn Lan, cơm lam được nướng bằng ống tre... tụ tập với nhau, cùng đón ngày hội dân gian bằng các hoạt động hát đối, đánh đu, thổi sáo mũi, nhảy múa, bắn nỏ... Người dân tộc Lê ở thành phố Tam Á thì mang theo đồ cúng tế như: thủ lợn, rượu nếp và cơm nắm đến động Lạc Bút, cầu mong tổ tiên phù hộ gia đình bình an, mùa màng bội thu, gia súc thành đàn.
Trong ngày hội mùng 3.3, thanh niên nam nữ thường biểu diễn "múa sạp". Hoạt động múa sạp thường có 12 người hoặc 16 người tham gia, 8 người đập sạp, 4 người hoặc 8 người múa. Trong tiếng nhạc và tiếng trống rộn ràng, 8 người đập sạp bắt đầu điều khiển cây sạp con trong tay được đặt song song cách đều nhau chừng 2 gang tay tạo thành dàn sạp theo nhịp nhất định, người múa sạp phải nhảy hoặc xoay người theo nhịp. Họ thổ lộ tâm tình qua bài hát, kết duyên bạn bè bằng nhảy múa.
Trong ngày mùng 3.3, thanh niên trai gái chưa có gia đình của dân tộc Lê thường nhảy múa, ca hát thâu đêm, tìm hiểu nhau, kết bạn, gieo hạt giống tình yêu qua lời ca tiếng hát và nhảy múa. Nếu hai bên đều ưng ý thì sẽ tặng quà làm tin. Cô gái thì buộc thắt lưng bảy màu tự tay thêu lấy vào lưng chàng trai, chàng trai thì đeo chuông hoa tai cho cô gái, hoặc cắm cây trâm làm bằng xương nai lên đầu cô gái, hẹn sang năm lại gặp.
Ông Vương Học Bình, người dân tộc Lê trên đảo Hải Nam giới thiệu: Ngày "mùng 3.3" là tài nguyên văn hóa có lịch sử ngàn năm, là thể hiện cụ thể nhất và điển hình nhất của văn hóa dân tộc Lê, cũng là ngày tết truyền thống để thanh niên nam nữ theo đuổi tình yêu và hạnh phúc.
Nét đặc sắc và giá trị chính của phong tục này là sự thể hiện tập trung của cả diện mạo phong tục dân gian gồm sản xuất, sinh hoạt, giải trí..., là một cửa sổ để mọi người tìm hiểu văn hóa và lịch sử của dân tộc Lê.