Dân Việt

Bóng đá Việt biến loạn: Thảm kịch được báo trước

13/12/2012 07:21 GMT+7
Dân Việt - Chưa bao giờ bóng đá Việt rơi vào tình cảnh thê thảm như lúc này. Với chuyên đề "Bóng đá Việt biến loạn - Thảm kịch được báo trước", Dân Việt đi tìm câu trả lời cho sự suy thoái của làng bóng...

Khi biểu tượng thất truyền

Những năm 90 của thế kỷ trước, các sân cỏ Việt Nam luôn đầy ắp khán giả, ngập tràn trong bầu không khí cuồng nhiệt. Nhưng chỉ sau hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, “thượng đế” ngày càng mất niềm tin vào môn thể thao vua, sân cỏ quốc nội trở nên đìu hiu, lạnh lẽo.

Những tưởng làm bóng đá nhà nghề thì mọi chuyện phải tốt lên, chứ sao lại xấu đi. Tại sao? Tại sao và tại sao?

img
Cựu danh thủ Tuấn Thành chọn chơi quần vợt để thư giãn còn hơn ra sân xem V.League. Ảnh: Minh Hoàng

Không phải tới bây giờ mà từ rất lâu, các chuyên gia lão làng bóng đá Việt đã lên tiếng về những mầm hại khôn lường của việc đội bóng thay tên, đổi chủ liên xoành xoạch. Việc chuyển nhượng đội bóng xảy ra như cơm bữa, thì thử hỏi có còn cái "gốc" truyền thống, và việc đòi hỏi thi đấu vì "màu cờ sắc áo" liệu có là thứ đòi hỏi xa xỉ?

Và cũng bởi thế những cái tên trở thành "biểu tượng" của làng bóng Việt thủa nào như Công an Hà Nội, Công an TP.HCM, Thể Công, Cảng Sài Gòn.., cũng trở nên thất truyền trong làn sóng bóng đá doanh nghiệp.   

Trao đổi với Dân Việt, cựu danh thủ Công an Hà Nội, Nguyễn Tuấn Thành cho biết: “Thời chúng tôi, đêm trước ngày ra sân nhiều khi còn mất ngủ, thao thức xem hôm sau mình có tên trong đội hình chính không, đặc biệt trong các trận đấu với Công an TP.HCM, Công an Hải Phòng, Thể Công, SLNA. 

Nhìn cầu thủ bóng đá bây giờ thi đấu, nhiều khi có thời gian rảnh cũng chẳng muốn tới sân. Xem mà thêm buồn, đi đá “phủi”, chơi quần vợt với anh em còn dễ chịu hơn…”.

Thực tế, những biểu tượng của bóng đá Việt mà Tuấn Thành đề cập tới ở trên, giờ chỉ còn mỗi SLNA trong tình trạng “dở khóc dở cười”.

Thống kê rộng hơn, từ 10 đội dự V.League đầu tiên mùa giải 2000-2001 đến  này, chỉ còn tồn tại mỗi SLNA ở đấu trường này. Các đội khác đã bị xóa sổ hoặc sang nhượng: Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Công an Hải Phòng, Công an Hà Nội, và mới nhất là Khánh Hòa chuyển giao cho V.Hải Phòng ngay trước thềm V.League 2013.

Còn Đồng Tháp đang lận đận ở giải hạng Nhất. Tệ hơn hai “lò” đào tạo trẻ khác là TT.Huế, Nam Định đang chơi ở giải… hạng Nhì!

Đa phần những cái tên bị xóa trên bản đồ bóng đá đỉnh cao đó, kẻ trước, người sau đều vô tình (hoặc cố ý) đi vào “vết xe đổ”: đánh mất mình sau những cuộc chuyển giao về tay các ông bầu, thân phận nổi chìm theo sự tùy hứng và túi tiền của ông chủ.

img
Liệu có chút hình bóng nào của đội Công an TP.HCM ở V.Ninh Bình (phải) hiện tại? Câu trả lời là "không". Ảnh: Minh Hoàng

Ví dụ như bây giờ muốn tìm đội bóng "thừa kế y bát" của đội Công an TP.HCM, có lẽ người ta sẽ phải lập một cây "gia phả", mặc dù họ mới chỉ mất phiên hiệu khoảng chừng 10 năm. Còn nhớ tại V.League 2003, Công an TP.HCM được chuyển giao để rồi xuất hiện với cái tên mới tinh… Ngân hàng Đông Á (NHĐA).

Sau đó, đội xuống hạng khi V.League 2004 kết thúc với tên NHĐA Thép Pomina. Tiếp đến, họ bị bán cho Đồng Tâm.LA và mang tên Sơn ĐT.LA thi đấu ở giải hạng Nhất 2006 trước khi chuyển giao cho V.Ninh Bình chơi giải hạng Nhất 2007.

Mới chỉ 10 năm mà một đội bóng gốc Sài Gòn ra tít tận cố đô Hoa Lư, tin được không? Và trong thời gian tới, không biết V.Ninh Bình sẽ còn đổi tên gì khác khi bầu nhiệt huyết làm bóng đá cũng như hầu bao của họ đã cạn rồi (?!).

Đội bóng với thành phần ban huấn luyện, cầu thủ như là “con tin” của các ông bầu. Mỗi khi họ không bằng lòng điều gì với VFF là ý như rằng dọa bỏ bóng đá. VFF đã chiều theo “cái hứng” của các ông bầu, nhưng cuối cùng sẽ họ vẫn "rút êm", mặc kệ BĐVN rơi vào khủng hoảng.

Tương tự đội Công an Hà Nội chuyển thành Hàng không Việt Nam (V.League 2003) rồi LG.ACB.Hà Nội (V.League 2004) và giờ đã giải tán khi ông bầu bị bắt.

Mới đây nhất là bóng đá Khánh Hòa, với truyền thống 36 năm, giờ sắp thành "vùng trắng" với cuộc chuyển giao K.Khánh Hòa cho Hải Phòng. 

Với thực trạng như thế, liệu khán giả có tới sân không khi đội bóng đang chơi kia chỉ là kẻ xa lạ với họ?

Kể cả những người mang nặng tâm tư "Đập cổ kính xưa ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại giữ dành hơi", cố tới sân để tìm lại hình ảnh đội bóng thủa nào trong dáng hình mới, có lẽ cũng sẽ thất vọng mà ra về bởi "bao giờ cho đến ngày xưa".

Thế nên sân cỏ đã, đang và sẽ vắng khán giả, âu cũng là điều dễ hiểu.

"Con tin" trong tay nhưng ông bầu

Không thể phủ nhận vai trò tích cực của trào lưu bóng đá doanh nghiệp và sự xuất hiện của những ông bầu trong chặng đường đã qua của bóng đá Việt. Thế nhưng, sự phát triển nóng, nhà nhà hô hào "doanh nghiệp hóa" bóng đá, đã khiến người ta không còn quan tâm tới truyền thống của đội bóng. Thậm chí, sẵn sàng gạt bỏ truyền thống đó sang một bên để gắn tên thương hiệu của doanh nghiệp, để lệ thuộc vào túi tiền của những ông bầu.

Quan trọng hơn, nhiều ông bầu đổ tiền vào bóng đá không phải để hướng tới mục tiêu lấy "bóng đá nuôi bóng đá" qua các nguồn thu, đặc biệt là nguồn bán vé như lý thuyết. Thay vào đó, họ chỉ coi bóng đá là một thú chơi, một cái cớ để đánh bóng tên tuổi, hoặc thực dụng hơn là một kênh quảng bá hay qua bóng đá để tìm kiếm những ưu đãi ở của địa phương trong lĩnh vực kinh doanh. 

img
 Giờ thì bóng đá Việt đang phải gánh chịu hệ quả từ việc lệ thuộc vào các ông bầu.

Khi bóng đá không phục vụ "ông chủ" đích thực là khán giả, mà chỉ là phương tiện trong tay các ông bầu, bóng đá dễ trở thành..."con tin". Chẳng thế mà làng bóng Việt thỉnh thoảng lại nổi sóng khi có ông bầu nào đó "dọa" bỏ bóng đá bởi không hài lòng điều gì với VFF hoặc đơn giản vì..."trọng tài thổi ép" trận nào đó.

Điển hình nhất cho cái gọi là "con-tin-bóng-đá" chính là việc một nhóm ông bầu dọa "ly khai" khỏi V.League để thành lập một giải đấu riêng mang tên Super League vào tháng 9 năm ngoái. Để rồi với cái chiến thuật vừa "đấm vừa xoa", họ đã khiến các sếp của VFF phải chấp nhận nhượng bộ cho ra đời Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp.

Trong khi đó, ai cũng thấy tính bất hợp lý của mô hình này. Một mô hình mà nói theo cách của dân làng bóng là rất dễ xảy ra chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi các ông bầu "có chân" trong VPF cũng là người sở hữu đội bóng dự giải chuyên nghiệp. 

Giờ thì bóng đá Việt đang phải gánh chịu hệ quả từ việc lệ thuộc vào các ông bầu. Sự suy thoái kinh tế đã khiến hàng loạt bầu "chạy trốn" khỏi bóng đá. Từ Bắc, Trung, Nam, nhìn đâu cũng thấy có ông bầu rao bán đội bóng hoặc đội bóng giải thể vì bầu hết tiền hay rơi vào vòng lao lý.

Giải đấu không đủ số lượng đội tham dự đến độ VPF phải nghĩ ra "sáng kiến" (hay là "tối kiến"?) là đưa đội U22 quốc gia vào tham dự cho "đủ mâm, đủ bát" và "khai tử" suất xuống hạng. 

Bi kịch bóng đá Việt còn có sự "đóng góp" của chính VFF. Họ đã không làm tốt vai trò định hướng, dẫn đường cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Họ thiếu những động thái cần thiết để ngăn “trào lưu” sang tên đổi chủ ồ ạt, bừa bãi. 

Coi tình yêu của người hâm mộ như một thứ tình cảm vô điều kiện, những năm qua, từ VFF cho tới các đội bóng… đều không làm gì để đáp lại những tình cảm đó. Và rồi các sân cứ dần thưa thớt bóng các “thượng đế”. Và giờ xem ra bóng đá Việt sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức, cả sự hy sinh mới mong lấy lại “tình yêu” từ các cổ động viên chân chính.

Thậm chí, người ta dường như thấy sự e ngại của VFF mỗi khi có ông bầu nào đó giận dỗi, dọa bỏ bóng đá! Và như đã nói ở trên, sự ra đời của VPF, phải chăng cũng là một sai lầm của VFF bắt nguồn từ việc "nể" các ông bầu và quan điểm bóng đá không có doanh nghiệp thì sẽ “chết”. 

Trao đổi với Dân Việt chiều 12.12, chuyên gia Lê Thế Thọ-thành viên Hội đồng huấn luyện viên quốc gia, bày tỏ rất sâu sắc: “Tôi chỉ nói gọn thế này, trên thế giới, chẳng có Liên đoàn bóng đá nào chấp nhận để chuyện thay tên đổi chủ diễn ra như cơm bữa như ở Việt Nam. Tôi không tin những người làm bóng đá Việt Nam không hiểu tác hại của nó. Nhưng chẳng ai đủ dũng cảm và cái tâm để gạt đi”.

Theo ông Thọ, bóng đá Việt khủng hoảng như hiện nay là hệ quả tất yếu của một quá trình. Một quá trình mà ở đó, có quá nhiều người chỉ nghĩ đến chuyện “hái quả”, chỉ biết tới lợi ích cá nhân mà không chịu “vun trồng”, vì cái chung, vì tương lai của bóng đá nước nhà. 

Kỳ 2: Bóng đá Việt thê thảm, VFF phải chịu trách nhiệm

Kỳ cuối: Bóng đá Việt thê thảm: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”