Nhà Báo, MC- BTV Nguyễn Mỹ Linh. Ảnh: Đông Vũ.
Đun nước lá mùi để thấy mùi hương xưa cũ...
Là người làm "chủ xị" của chương trình "Văn hóa - Sự kiện - Nhân vật" (VTV3), chị thấy cái Tết hiện nay của người Việt như thế nào?
Tôi nghĩ, Tết vẫn thế thôi! Chỉ có điều nó bị nhịp sống công nghiệp và sự thực dụng làm cho thay đổi ít nhiều.
Nếu như ngày xưa, chúng ta dành mấy ngày Tết cho gia đình, họ mạc thì giờ có chút điều kiện là tranh thủ đi chơi. Nếu như ngày xưa, chúng ta biếu nhau những món quà tự tay làm để thể hiện tình cảm thì giờ việc biếu xén đã trở thành việc trả ơn, thậm chí là để giải quyết một số mối quan hệ làm ăn cho thêm thuận lợi. Nếu như ngày xưa, chúng ta đi lễ đi hội đi chùa với phong thái thong dong thì giờ là chen chúc, xô bồ.
Tôi nghĩ, có lẽ mọi người không thích thế nhưng họ đều bị cuộc sống kéo đi cả. Tôi mơ đến lúc ngày Tết Việt Nam quay trở lại thanh bình như xưa. Các nước phát triển họ đi trước chúng ta nhiều thứ, rồi bây giờ, Noel cũng là lúc mà các gia đình tụ họp trong không khí hết sức thanh bình, thiêng liêng. Chắc rồi đến lúc chúng ta cũng quay về những giá trị gốc, "gen" hơn... sau cơn "mất bình tĩnh " về những hình thức mới của xã hội.
Bản thân tôi cho rằng đã là người Việt Nam, ngày Tết luôn luôn là những ngày quan trọng trong một năm. Mặc dù, có thể nhiều người kêu mệt, kêu vất vả, nhưng bảo bỏ bớt các khoản chuẩn bị cho Tết thì dứt khoát không. Vẫn mua sắm, vẫn nhà nọ chạy qua nhà kia để biếu xén, vẫn mua đào quất bánh mứt ê chề dù không ăn. Tết, nói mệt thì mệt thế thôi, trong lòng cũng vẫn hân hoan xao xuyến.
Chị có thể chia sẻ ký ức về ngày Tết còn đọng lại trong chị?
Tôi thích nhất đêm 30 và ngày mồng 1 Tết. Đêm 30 là lúc mà lòng dạ lúc nào cũng thấy bâng khuâng, làm nốt một vài việc trong năm, gọi điện cho người thân để chúc Tết, viết một vài dòng nào đó sau giao thừa, thắp hương lên tổ tiên ông bà, trời Phật để cầu xin một năm an lành cho mọi người và bản thân. Việc nào cũng khiến mình thấy xúc động cả. Ngày mùng 1 là lúc về chúc Tết bố mẹ, gặp mặt anh em họ hàng, thấy thân thương lắm.
Tôi là người sống nhiều bởi những kỷ niệm, nên ký ức của tôi bộn bề, ký ức về Tết cũng vậy. Nhớ khi bé, có những đêm 30 mẹ tôi ngồi đan cố những mũi cuối cùng, rồi hấp áo len để tôi có được tấm áo mới cho sáng mồng 1. Nhớ những lúc bố mẹ đèo đi chúc Tết nhà bà vú em sau khi bà đã không còn trông chúng tôi.
Nhớ 7 cái Tết ở Paris, vào khu phố châu Á để mua bằng được mấy chiếc bánh chưng, mâm ngũ quả và cành đào. Khi sống xa xứ, cứ nghĩ Tết là chẳng còn quan trọng lắm vậy mà nhìn thấy cành đào thôi là lòng dạ thắt lại vì nhớ nhà. Với tôi, Tết khiến lòng mình dịu lại, bỏ bớt những bộn bề lo toan. Tôi thấy cảm giác về quê hương mạnh mẽ hơn lúc thường ngày.
Những điều đặc biệt không thể thiếu trong ngày Tết của chị?
Hoa đào! Dù ở Hà nội hay Paris, Tết của tôi không thể thiếu hoa đào. Lúc xa nhà, nhìn cành đào thấy lòng ấm áp lắm. Lần đầu ăn Tết ở Pháp, vào chợ người Châu á, nhìn mấy bó đào dựng ở góc sân mà trào cả nước mắt.
Và có lẽ thêm một điều nữa không thể thiếu là mâm cơm cúng giao thừa. Tôi thích lúc nấu hơn lúc ăn. Bởi lúc mình nấu, mình nghĩ về nhiều điều, về những cái Tết khi bé, về ông bà đã mất, về ký ức tuổi thơ. Khi ấy thấy lòng rất yên bình. Và cuối cùng là nồi nước lá mùi đun lên, chỉ để có mùi hương xưa cũ...
Làm nô lệ cho những thói phù phiếm, mệt lắm!
Nhiều khán giả xem truyền hình rất tò mò về gia đình của chị, chị có thể chia sẻ một vài thông tin?
Tôi chẳng biết chia sẻ gì (cười), gia đình tôi cũng giống mọi gia đình khác thôi mà.
Có thể nói tôi là một bà mẹ đông con. Con trai lớn đã 16, con gái thứ hai lên 10 và bé gái út năm nay hơn 4 tuổi. Khi trẻ, tôi không nghĩ mình sẽ là bà mẹ đông con, thế mà giờ, có 3 lại thích có 4 (cười).
MC Mỹ Linh cho biết chị rất muốn sẽ sinh được đông con. Ảnh: NVCC.
Các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cánh đàn ông cấm chỉ mọi động thái trưng ảnh nơi công cộng (cười to) của tôi. Con trai tôi đã "unfriend" mẹ khi thấy tôi post ảnh của cậu trên facebook cá nhân.
Các con tôi khác với những đứa trẻ có bố mẹ "hơi nổi nổi " là không thích tôi xuất hiện nhiều ở những hoạt động có tính bề nổi của xã hội, nên ngoài những công việc chuyên môn và từ thiện nho nhỏ, tôi thường làm bà nội trợ là chính.
Trong gia đình MC Mỹ Linh thường làm bà nội trợ là chính. Ảnh: Đông Vũ.
Tôi cũng nghĩ, dù công việc mình làm có thế nào thì sống như người bình thường là thích nhất, đừng cố làm cho mình trở nên phải khác biệt, nô lệ cho những thói quen phù phiếm, mệt lắm.
Được biết chị là nàng dâu thường "đi đi lại lại" giữa Pháp và Việt Nam, chị có thể chia sẻ về ngày Tết của gia đình mình?
Ngày Tết dù tôi ở đâu, Việt Nam hay Pháp, tôi cũng vẫn làm mọi điều như đã học được từ mẹ tôi. Nghĩa là có hoa đào, có cơm cúng, có phong bao lì xì, có thăm hỏi người thân, có bún thang hạ nêu. Mục cuối, thăm hỏi người thân thì ngày một ít đi vì giờ người thân cũng mải đi chơi, đi du lịch cả rồi, mình cũng vậy.
Tôi có đại gia đình họ ngoại rất thân thiết, anh em họ nhưng thân nhau như ruột thịt, ngày mồng 1 là lúc mà cả họ tụ họp ở nhà bác cả. Bác sẽ chúc Tết cả đại gia đình, thế hệ chúng tôi sẽ chúc thọ các cô bác, và mừng tuổi tụi trẻ. Với tôi đây là ngày rất quý giá. Cuộc sống bận rộn cuốn mình đi, đôi khi khái niệm về đại gia đình trở nên lỏng lẻo, chính những giờ phút này kéo mình trở lại, cho mình cảm giác về máu mủ ruột thịt một cách rõ ràng hơn cả.
Các con chị cảm nhận về ngày Tết truyền thống của người Việt như thế nào? Chị có thể chia sẻ một tình huống thú vị?
Hai cô con gái đáng yêu của MC Mỹ Linh. Ảnh: NVCC.
Cái này chắc phải hỏi thêm tụi trẻ. Đúng là với trẻ con sống giữa hai nền văn hóa, lại đi học trường quốc tế thì khái niệm về "văn hóa truyền thống" sẽ có ít nhiều lỏng lẻo, các con tôi chắc chắn không tránh khỏi. Đám con gái thì dễ vì nghe lời mẹ, con trai giờ đang ở tuổi dở dở ương ương, đôi lúc cảm thấy phiền toái về những tập tục của người Việt, như phải đi bằng được đến nhà ông bà vào ngày nhất định, giờ nhất định. Phải dự lễ đại gia đình mà hầu như các cháu chỉ biết vài bà người, họ nội tôi rất lớn...
Nhưng tôi cũng không lo lắng lắm về điều này, lá rụng về cội, trẻ hướng ngoại, già hướng nội. Khi lớn, các cháu sẽ nhớ về những ngày tháng thơ ấu, sẽ thấy quý những gì mà tụi nhỏ được hưởng khi bé, rồi mọi thứ sẽ tự về thôi.
MC Mỹ Linh cho rằng lá rụng về cội, trẻ hướng ngoại, già hướng nội. Khi lớn, các con mình sẽ tự tìm về với cội nguồn. Ảnh: NVCC.
Tôi còn nhớ khi ở Paris, con trai đầu lúc đó mới lên 4 tuổi, giờ giao thừa Việt Nam, tôi bày mâm cơm cúng ra ban công lễ Phật, trời đất và ông bà tổ tiên. Quay vào bếp 2 phút, lúc ra đã thấy thằng bé tay cầm nén nhang, miệng ngậm miếng xôi vừa bốc trộm nhưng vẫn lẩm bẩm: "con lạy cụ, con lạy cụ... ". Như thế nghĩa là cu cậu đã hiểu phải làm gì, dù có thèm quá mà bốc trộm (cười)
Tôi nghĩ, cuộc sống được xây dựng nhiều bởi những ký ức khi ta còn bé, các con tôi có một cuộc sống tinh thần khá phong phú, phần Việt Nam sẽ là phần nhiều tình cảm, hy vọng nó sẽ là kỷ niệm đẹp khi các con lớn, lúc nghĩ về Tết quê mẹ.