Dân Việt

Cụm chăn nuôi tập trung: Ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khoẻ

Nhóm thực hiện dự án IDRC 10/02/2015 15:02 GMT+7
Một nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho thấy, cụm chăn nuôi gia cầm tập trung có cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt hơn chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng còn thiếu các công trình quản lý chất thải khiến việc bảo vệ môi trường chưa được thực hiện tốt và sức khoẻ người chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng.

Bất cập trong xử lý chất thải

Theo Bộ NNPTNT, từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát năm 2003, các cơ quan chức năng đã vận động hộ chăn nuôi di chuyển vào các cụm chăn nuôi gia cầm tập trung nhằm tăng cường kiểm soát dịch bệnh gia cầm, bảo vệ môi trường và sức khoẻ người dân. Đến nay, dịch bệnh gia cầm đã được kiểm soát tốt hơn nhưng môi trường và sức khoẻ người chăn nuôi trong cụm vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong khuôn khổ dự án điều tra cụm chăn nuôi gà tại Hà Nội và Đồng Nai năm 2013 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế Canada (IDRC) tài trợ, IPSARD đã đánh giá hiệu quả của cụm chăn nuôi tập trung về quản lý môi trường và sức khoẻ người chăn nuôi.

img
Nhiều người chăn nuôi đối mặt nguy cơ dịch bệnh lây lan từ gia cầm 
(ảnh minh họa).    P.V
Theo báo cáo của nghiên cứu này, chất thải rắn trong chăn nuôi gia cầm là phân gà trộn với trấu trên sàn chuồng nuôi có thể được tận dụng làm phân bón sau khi ủ đủ thời gian để đảm bảo an toàn sinh học. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy chỉ 9% hộ trong cụm chăn nuôi tập trung có hầm ủ phân và cho phân vào ủ trước khi sử dụng vào mục đích khác. Có tới 69% hộ trong cụm bán phân gà cho thương lái ngay khi dọn chuồng nuôi, gây nguy hiểm cho sức khoẻ của người mua, người bán, mất an toàn sinh học.

Đối mặt nguy cơ bệnh tật

Bà Nguyễn Thị Thụ - Chủ tịch HTX Nông nghiệp xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, từ khi chăn nuôi ở xã phát triển, tuy có quy hoạch thành khu chăn nuôi tập trung nhưng đúng là môi trường vẫn bị ô nhiễm, không còn trong sạch như ngày xưa nữa. Người già và trẻ nhỏ cũng mắc bệnh nhiều hơn, nhất là bệnh về đường hô hấp. “Nếu người dân không thay đổi tập quán chăn nuôi để giữ gìn vệ sinh môi trường và sức khoẻ, không may có dịch bệnh xảy ra, nhất là dịch cúm gia cầm lây sang người thì sẽ rất nguy hiểm” - ông Thụ nói.

Theo IPSARD, nhìn chung các hộ chăn nuôi vẫn chủ quan, thậm chí “coi thường” tính mạng của bản thân và cộng đồng đối với các rủi ro do dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người và không kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Hơn một nửa số hộ không đi khám sức khoẻ trong khoảng thời gian 12 tháng tính tới thời điểm điều tra mà thường chỉ đi khám khi đã phát bệnh nặng. Bên cạnh đó, mặc dù mật độ gia cầm trong cụm chăn nuôi cao hơn nhiều so với chăn nuôi nhỏ lẻ, hơn 90% hộ không sử dụng găng tay và khẩu trang khi tiếp xúc với gia cầm. Vì vậy, nhiều người chăn nuôi trong cụm gặp phải các vấn đề về sức khoẻ như bệnh về hô hấp, tiêu hoá, da, dị ứng, mắt... Nhưng hầu như không ai trong số đó cho rằng bệnh của mình có liên quan đến chăn nuôi gia cầm, trừ 30% hộ nghĩ rằng bệnh hô hấp của mình có liên quan đến chăn nuôi gia cầm.

Người chăn nuôi trong cụm còn phải đối mặt với những áp lực khác như giá cả, thiếu vốn và dịch bệnh. Trong bối cảnh thị trường bất ổn kể từ dịch cúm 2003, giá cả là áp lực lớn nhất và có tới hơn 40% hộ đối mặt với áp lực này.

  IPSARD đưa ra khuyến nghị, trong công tác quy hoạch và xây dựng các cụm chăn nuôi gia cầm tập trung, cần chú ý đảm bảo các cụm chăn nuôi đều có hệ thống xử lý nước thải và phân bón đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong cụm tập trung về các mối đe doạ đối với sức khoẻ con người và khuyến khích sử dụng các biện pháp bảo hộ trong chăn nuôi.