Dân Việt

TP.HCM phát triển nông nghiệp đô thị: Nông thôn đổi mới, nông dân tăng thu nhập

Trần Đáng 11/02/2015 08:44 GMT+7
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, năm 2014 sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị sản xuất tăng 6%, bằng 1,6 lần so mức tăng của cả nước.

Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, trong năm 2014, Sở NNPTNT thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu với nhiệm vụ tập trung: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học, công tác dự báo, tập trung sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, rau an toàn, cây kiểng, cá kiểng...”.

Đẩy mạnh mục tiêu nông nghiệp đô thị

img
Với chương trình khuyến khích chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông dân thành phố ngày càng mở rộng diện tích trồng hoa lan.   
Trong năm qua, ngành NNPTNT thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chương trình và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị giai đoạn 2011 – 2015. Các chương trình mục tiêu phát triển bò sữa, rau an toàn, hoa – cây cảnh, cá cảnh, cá sấu; chương trình giống cây, giống con chất lượng cao theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2025, đã được phê duyệt.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, trong năm 2014, các doanh nghiệp sản xuất được khoảng 15.400 tấn hạt giống phục vụ khoảng 1 triệu ha diện tích gieo trồng tại thành phố, các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL và miền Trung, trong đó có khoảng 9,5 triệu cây giống cấy mô (chủ yếu là giống lan). Về giống vật nuôi, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện chương trình gieo tinh bò sữa cao sản Israel, cấp phát cho các trại chăn nuôi 3.277 liều.

Năm 2014, diện tích gieo trồng rau ở thành phố đạt 15.200ha (rau an toàn là 14.896ha). Ông Trung cho biết, tại các vùng trồng rau của thành phố đã hình thành được một số vùng chuyên canh rau tập trung tại xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung (Củ Chi); Tân Qúy Tây, Hưng Long, Quy Đức (Bình Chánh); Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn (Hốc Môn). Bên cạnh đó, chương trình phát triển cây – cá cảnh, cá sấu cũng đang được đẩy mạnh. Hiện trên địa bàn thành phố có 50 tổ chức, cá nhân gây nuôi cá sấu với tổng đàn là 167.000 con.

Đòn bẩy cho nông thôn mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố hướng tới là tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, liên tục nâng cao thu nhập; đồng thời cải thiện điều kiện sống tới từng hộ gia đình, giảm dần khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa thành thị và nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Cảm – Phó phòng Kinh tế huyện Củ Chi đánh giá, công tác chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố theo hướng nông nghiệp đô thị đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập của người dân, tăng sức dân tham gia thực hiện Chương trình nông thôn mới. Cũng theo ông Cảm, chương trình hoa lan, cây cảnh, cá cảnh; rau an toàn, bò sữa... là các đối tượng rất thích hợp trong phát triển nông nghiệp đô thị. Từ đó, ngoài việc hỗ trợ vốn và kỹ thuật, huyện đang vận động các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm hỗ trợ các hộ mới vào nghề và tiến tới thành lập các hình thức liên kết nhằm tạo lợi thế cạnh tranh.

Trong khi đó, theo ông Đoàn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị đã nâng cao thu nhập cho người dân ở địa phương góp phần thực hiện mục tiêu nông thôn mới.

“Hiện sản xuất nông nghiệp thành phố đã có bước chuyển biến mới về năng suất, chất lượng. Một số cây trồng, vật nuôi chủ lực đều tăng so với cùng kỳ… Tiếp tục triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống mới cho các quận, huyện” - ông Nguyễn Phước Trung cho hay.

  Năm 2014, giá trị gia tăng nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 5,9%, bằng 1,8 lần so với mức tăng của cả nước; giá trị sản xuất tăng 6% so cùng kỳ, bằng 1,6 lần so với cả nước, trong đó, trồng trọt tăng 4,5% (cùng kỳ tăng 5,4%), chăn nuôi tăng 4,3% (cùng kỳ tăng 4%), thủy sản tăng 9,8% (cùng kỳ tăng 9,6%).