Dân Việt

Người vẽ chân dung Bác Hồ trên lá

01/09/2012 14:52 GMT+7
(Dân Việt) - Xuất phát từ tấm lòng kính yêu Bác Hồ vô bờ bến, nghệ nhân Võ Văn Tạng từ một người thợ vẽ “tay ngang” đã tự mày mò, tìm tòi sáng tạo ra một loại hình tranh nghệ thuật ghép lá thốt nốt hết sức lạ, độc đáo.

Ông đã có hơn 1.000 bức tranh vẽ về Bác Hồ. Năm 2010, ông Võ Văn Tạng (SN 1942, ngụ ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vinh dự được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người vẽ tranh bằng chất liệu lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam”.

Việc gắn bó với loại hình mỹ thuật vẽ tranh trên lá thốt nốt của ông Út Tạng rất tình cờ. Khoảng năm 2000, ông đến viếng chùa Skvong (Tịnh Biên), được chiêm ngưỡng những bộ kinh xưa mà người Khmer đã dùng lá thốt nốt để viết kinh, đến nay có tuổi đời hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn.

img
Ông Tạng bên bức tranh Bác Hồ và Bác Tôn.

Ông mới ngẫm ra rằng lá thốt nốt càng để lâu màu sắc càng đẹp, không sợ mối mọt... Vốn có năng khiếu vẽ bẩm sinh từ nhỏ, ông bắt đầu “thử nghiệm” cắt mấy lá thốt nốt ra thành từng sợi nhỏ sau đó dán kết chúng dính lại với nhau trên bìa giấy cứng rồi đồ họa hình vẽ theo ý riêng của mình. Năm 2003 về hưu, có được thời gian rảnh rỗi hơn, ông mới bắt tay vào mở cơ sở chuyên vẽ tranh trên lá thốt nốt.

“Điểm riêng biệt của loại hình vẽ tranh trên lá thốt nốt là hoàn toàn không sử dụng cọ và màu. Người vẽ chỉ cần dùng bút lửa để đốt trên nền hình đã được phác thảo trước đó. Chính vì thế đòi hỏi người vẽ phải hết sức khéo tay, tỉ mỉ, kỹ càng. Mỗi bức tranh chỉ có 3 gam màu chủ đạo chính là màu đen nâu và vàng” - ông Tạng chia sẻ.

Đến nay ông đã sáng tác và vẽ được hơn 10.000 bức tranh với đủ thể loại: Cuộc đời hoạt động và chân dung của các vị lãnh tụ Việt Nam như: Bác Tôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh; cảnh sinh hoạt nông thôn, thành thị, ảnh nghệ thuật, cung điện, hình ảnh các loài thú...

Chỉ tính riêng ảnh chân dung và hình ảnh sinh hoạt đời thường của Bác, ông đã có trên 1.000 bức ảnh. “Để hoàn thành một tác phẩm chân dung của Bác, điều quan trọng phải làm sao sau khi hoàn thành bức tranh nhìn vào phải có hồn, thật sự sống động. Cho nên đòi hỏi người vẽ trong lòng phải in hằn chân dung của Người, vẽ bằng cả trái tim” - ông Tạng bộc bạch.