Không sảng khoái và hứng khởi sao được khi đề cập đến nó là đề cập đến những lạc thú chốn dương trần như dân gian đã đúc kết: “Thế gian ba sự khôn chừa- Rượu nồng dê béo gái vừa đương tơ!”.
Thực ra, con dê gắn bó chia sẻ ố ái hỉ nộ với loài người từ lâu lắm, đâu như thời tiền sử đến giờ. Nếu như nó là một trong 12 con giáp của văn hóa phương Đông thì nó cũng là biểu tượng 1 trong 12 cung Hoàng Đạo của văn hóa phương Tây.
Con dê cũng là vật tế thần trong nghi lễ hiến sinh của hai cực văn hóa Đông Tây. Bởi vậy, từ ca dao đến tục ngữ, thành ngữ, từ truyện thần thoại đến cổ tích, từ phong tục đến lễ hội hình ảnh con dê đã không ít lần góp mặt trong văn hóa dân gian các dân tộc trên thế giới. Tính hiện thực cũng như tượng trưng của con dê cũng xuất hiện không thưa vắng kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
Dùng cỗ trâu, dê làm đồ lễ cũng là một cổ tục của nước Việt từ thời Hồng Bàng. Trái các triều đại, trong Đại Việt sử ký toàn thư có nói, vua cúng đàn xã tắc thì dâng cỗ thái lao (trâu, dê, lợn), cúng thần sông núi thì dâng cỗ thiếu lao (dê, lợn).
Hình ảnh dê ngựa không hiếm khi là nỗi tự hào: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi- Còn em luống những ngậm ngùi tuổi Thân”; “ Năm Ngọ, mã đáo thành công- Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê”...
Nhưng đôi khi trở thành sự quá đà là bị lườm nguýt, khiển trách nhẹ nhàng: “Chuồn chuồn đậu bụi mía mưng- Đã dê con chị, xin đừng con em” hoặc cảnh cáo: “Tuổi Mùi là con dê chà- Có sừng, có gạc, râu ra um sùm”.
Bịt mắt bắt dê là một trò chơi dân gian, xuất hiện trong hội làng: “Đồng Quan mở hội vui thay- Thi văn, thi võ, lại bày cờ tiên- Sân đình nhạc múa đôi bên- Dưới sông chèo hát lại dìm bóng trâu- Bắt dê, bắt vịt, leo cầu- Lại đây anh kể trước sau mọi trò”.
Ở hội Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng tổ chức trò bịt mắt bắt dê bằng cách thả sẵn một chú dê trên sân rộng cạnh đình, xung quanh rào phên kỹ càng. Có thể hai hoặc nhiều người cùng đồng loạt vào dự thi, mắt bịt kín, bắt được dê thì được lãnh thưởng.
Để cuộc thi hấp dẫn hơn, có nơi quy định người dự thi và dê đều khoác áo tơi, tạo thêm sự lúng túng, khó khăn trong cảnh rượt đuổi vồ chụp hụt vuột kích thích những tiếng reo hò cổ vũ, cười đùa nghiêng ngả của thành phần dự xem.
Ở Pháp, cũng có trò chơi tương tự được định nghĩa trong từ điển Larousse là: “Colin-maillard là trò chơi trong đó một người bị bịt mắt phải mò bắt những người khác và khi bắt được ai thì phải nói đúng tên người đó” , như vậy khác với trò chơi ở hội làng Việt là ở chỗ ta phải bắt con dê thật. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu tranh cãi về xuất xứ ban đầu của trò chơi này ở đâu.
Đó là chuyện của lịch sử văn hóa. Khoảng nửa cuối thế kỷ XX về sau, ngoài hội làng, trò chơi “bịt mắt bắt dê” tưng bừng rộng khắp, trong đêm trăng đồng quê hoặc giờ ra chơi của học trò.
Phổ biến nhất là việc hai trẻ đều bịt mắt, một làm người rượt bắt, một làm con dê thỉnh thoảng cất tiếng kêu be be vừa nhử vừa lẩn tránh cuộc săn đuổi. Quy định cuộc chơi diễn ra trong một cái vòng tròn, người đứng quanh cổ vũ, ai vượt vòng là phạm luật. Phải nói, hình ảnh con dê trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam thật sinh động và phong phú.
Ngay từ trong nôi, em bé Việt đã được nghe lời ru: “Em tôi buồn ngủ buồn nghê- Con tằm chin đỏ, con dê chin muồi- Con tằm để vậy mà nuôi- Con dê chín muồi làm thịt em ăn”.
Rồi đến khi biết chạy nhảy vui chơi, các em đã được trao truyền những trò chơi cùng các khúc đồng dao “Chi chi chành chành”, “Rồng rắn lên mây”, “Oẳn tù tì”, “Thả đĩa ba ba”, “Kéo cưa lừa xẻ”, “Mèo đuổi chuột”…Con dê xuất hiện trong trò “Dung dăng dung dẻ”: “Dung dăng dung dẻ- Dắt trẻ đi chơi- Đến cửa nhà trời- Lạy cậu lạy mợ- Cho cháu về quê- Cho dê đi học- Cho cóc giữ nhà- Cho gà bới bếp- Ù òa ù ập”.
Về mỹ thuật dân gian, người Việt xưa quen với bức tranh Hàng Trống tên gọi “Lục hợp đồng xuân”, mô tả ông bố ngồi trong nhà uống trà xem sáu đứa trẻ chơi Bịt mắt bắt dê, trong đó một đứa bị bịt mắt đang tìm bắt một con dê. Ngoài ra, bức tranh Đông Hồ nổi tiếng mang tên “Bịt mắt bắt dê”, mô tả cảnh tưng bừng đôi trai gái mặc áo tơi cùng bịt mắt, tìm cách nghe ngóng rượt bắt một con dê, cũng đang khoác một chiếc áo tơi bằng lá gồi, trong một hàng rào gỗ.
Bên cạnh là một đôi trai gái khác mặc đồ hội đứng chỉ chỏ phẩm bình, phía sau hàng rào gỗ có bốn người che ô ngồi xem, trên giá có treo lủng lẳng các phần thưởng dành cho người thắng cuộc: xâu tiền, khăn, yếm.
Bất ngờ, hình ảnh dê xuất hiện nơi vui vẻ hồn nhiên, trong nỗi…đa nghi của một câu ca dao: “Giả vờ bịt mắt bắt dê- Để cho cô cậu dễ bề... với nhau”. Có người lại nói ở câu “Thế gian ba sự khôn chừa…”, dân gian truyền thống hơi ưu ái cho phận mày râu, chỉ kể lạc thú giới mày râu, còn dân gian hiện đại lại có xu hướng “bình đẳng giới”hơn:“Tái dê chấm với tương gừng- Ăn vào nó cứ phừng phừng như dê- Đêm về bu nó tỉ tê- Ngày mai ta lại tái dê tương gừng!”.
Nhưng suy đi rồi ngẫm lại, ngay trong truyền thống, cánh mày râu cũng đâu có vui một mình được mà trong ba lạc thú ấy, lạc thú nào cũng có nghĩ tới phận má hồng.
Này nhé, rượu nồng, ông bà ta thường nói tửu sắc, đã rượu phải có người đẹp, như tráng sĩ xưa cảm thấu “Ha ha! chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu, chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mỹ nhân!” kia mà, còn dê béo cũng là món nhắm làm “hùng tâm tráng khí” cho chốn “sa trường chăn gối” đương nhiên vai trò chị em là không thể thiếu...