Dân Việt

Nên biết xấu hổ trước khi "xin vào" diện nghèo

13/12/2012 19:52 GMT+7
(Dân Việt) - Cả nước đang trong đợt bình xét hộ nghèo năm 2012 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho năm 2013. Đây là hoạt động thường niên, nhưng điều không thường niên là ngày càng nhiều hộ muốn “xin vào” diện nghèo...

Ngay cả khi đã có nhà 2 tầng khang trang, có thu nhập khá... nhiều hộ từng thuộc diện nghèo vẫn cương quyết "không chịu thoát nghèo". Theo một cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo, cách đây 5 năm, gia đình/hộ nào thuộc diện bị bình xét hộ nghèo thì cảm thấy rất xấu hổ, cố gắng để làm ăn, cày cuốc thoát khỏi chữ nghèo. Nay, tình hình ngược hẳn lại, nhiều gia đình cố gắng "xin" nghèo. Vì đâu nên nỗi?

Câu hỏi không khó trả lời, bởi chính người dân nói ra: "Vì người nghèo được hỗ trợ nhiều quá". Cả nước hiện có 2,2 triệu hộ nghèo. Căn cứ Nghị quyết 80 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ năm 2011 đến năm 2020, người nghèo được hưởng rất nhiều hỗ trợ như: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; hỗ trợ về y tế dinh dưỡng; hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ hưởng thụ văn hóa, thông tin...

Cách tiếp cận sẽ là phân loại nguyên nhân đói nghèo để hỗ trợ. Mục đích của các hỗ trợ này là tạo nguồn lực, đòn bẩy cho người nghèo thoát nghèo. Thế nhưng, dường như các nguồn lực hỗ trợ này chưa gắn giữa mục tiêu "hỗ trợ để thoát nghèo" với những ràng buộc cụ thể, mà lại thành hỗ trợ khiến người nghèo không muốn thoát nghèo nữa. Chính vì vậy, “cuộc chiến” để được vào danh sách hộ nghèo năm nay ở nông thôn diễn ra ngày càng căng thẳng.

Trong "cuộc chiến" ấy, cán bộ thôn xã thực hiện các cuộc bình bầu lại dễ dàng bị chi phối bởi cảm tính. Dù Thông tư 21 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn điều tra, rà soát hộ nghèo rất cụ thể, chi tiết, nhưng hóa ra lại vẫn dễ bị vô hiệu hóa khi mà người thực sự nghèo không có đủ 50% số phiếu thì bị loại, trong khi người không nghèo, có trên 50% phiếu ủng hộ thì ung dung vào danh sách. Việc này khó trách ai, khi mà chính sách đã thực hiện việc đảm bảo cho chính các hộ dân trực tiếp bình bầu - mà vẫn cứ không sát, không trúng đối tượng.

Mỗi năm, kinh phí đổ vào hỗ trợ người nghèo lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhằm giúp người dân giảm nghèo. Nhưng nếu không đúng đối tượng thì khó giảm nghèo bền vững, lãng phí nguồn lực và quan trọng là tạo sự không công bằng trong chính sách. Vì vậy, nhiều người cho rằng, cần có chế tài với việc bình bầu sai, và chế tài với những hộ hưởng ưu đãi hộ nghèo quá lâu mà không chịu thoát nghèo.

Nhưng trên hết cả, cần phải khơi gợi lại cảm giác biết xấu hổ vì nghèo. Việc đó, ngoài tuyên truyền, cần phải có cách làm công tâm từ chính sách, sao cho mỗi người nghèo hiểu rằng mình phải có trách nhiệm với nguồn lực hỗ trợ được nhận, chứ không phải là của cho không, biếu không.