Đó là tâm sự của ông Phạm Ngọc Cừ - Bí thư Đảng ủy, Phó Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm Sơn La, khi trao đổi với phóng viên Dân Việt về nhiệm vụ bảo vệ rừng mà Nhà nước giao phó.
Có đến thì mới hiểu…
Là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất miền Tây Bắc (hơn 900.000ha), trong đó có hơn 600.000ha đất rừng, đó là lợi thế của Sơn La. Nhưng lợi thế ấy đến hôm nay vẫn chỉ là “lợi thế tiềm năng”, chứ nếu nhìn ở góc độ rừng với bát cơm manh áo hàng ngày của nông dân thì còn nhiều việc phải bàn. Nói cách khác, người nông dân Sơn La gặp khó khăn trong sự mưu sinh chính bởi từ lợi thế đất rừng ấy vì vùng sơn cước hơn 1 triệu dân này có diện tích đất sản xuất khá chật hẹp.
Người dân Mộc Châu, Sơn La thực hiện trồng tre, giang gắn với làng nghề mây tre đan – một giải pháp mưu sinh vẫn bảo vệ được rừng.
Với nhiều nông dân khác, tuy đất sản xuất không phải là quá cấp thiết nhưng với nhu cầu phát triển của cuộc sống, diện tích đất sản xuất hiện có cũng chỉ đủ để họ duy trì mức sống khỏi đói. Anh Giàng A Nua, dân bản Săn Cài, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ bảo: Nếu mỗi hộ khoảng 5-6 nhân khẩu mà có 1-2ha đất nương, không có vốn và kiến thức để làm kinh tế trang trại, thì làm tốt cũng chỉ khỏi đói. Dân ở đây hầu hết đều lao động nông nghiệp thuần túy nên chỉ biết trồng cây ngô, sắn, dong rềng thôi. Vì thế muốn khá lên, mỗ hộ phải có từ 3-5ha đất nương…”
Khát vọng có nhiều đất sản xuất luôn đặt ra thách thức với những người kiểm lâm và thật sự không dễ giải quyết bởi sự xâm lấn đất rừng ấy diễn ra một cách lẻ tẻ với số lượng nhỏ, rất khó kiểm soát. Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mộc Châu - anh Đào Mạnh Phong từng tâm sự: Tôi không sợ lâm tặc cầm cưa bằng nông dân lấn rừng bằng dao, cuốc. Bởi một lẽ đơn giản: Phát hiện và xử lý lâm tặc dễ hơn, được sự ủng hộ của người dân cao hơn, hiệu quả xử lý cũng nhanh hơn…”.
Không chỉ chuyện dân phá rừng làm nương, những hành vi đe dọa đến rừng ở Sơn La rất đa dạng và phức tạp: Khai thác, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật rừng trái phép, săn bắn trộm; thách thức, trực tiếp hoặc gián tieps đe dọa, chống lại kiểm lâm vẫn thường xuyên xảy ra. Rồi đến mưa bão, gió Lào nắng nóng, cháy rừng do đốt nương… Bởi thế, việc canh giữ an toàn những cánh rừng ở Sơn La là gánh nặng không nhỏ với lực lượng kiểm lâm trong điều kiện thiếu cả về con người và phương tiện, trang thiết bị.
Không để nông dân thành tiều phu
Vượt lên những khó khăn đó, lực lượng kiểm lâm Sơn La không chỉ gắng sức bảo vệ rừng mà còn tích cực nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo ngành và địa phương để có những cơ chế, chính sách thiết thực giúp nông dân vượt khó.
Huyện Mộc Châu đã thực hiện gieo ươm nhiều cây giống bản địa để trồng rừng kinh tế-du lịch, tăng độ che phủ, làm đẹp bản sắc vùng cao và tăng thu nhập cho người dân sở tại.
Nói về việc trồng và bảo vệ rừng, ông Phạm Văn Hợi - Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu cho biết: Đến nay, hầu hết các cán bộ xã, bản và người dân trong xã đều đã ý thức được rừng là của mình, mình là chủ rừng. Vì thế trong 2 năm vừa qua, người dân trong xã chúng tôi đã tham gia trả lại những diện tích đất rừng bị xâm chiếm làm nương và đóng góp công sức trồng mới hàng trăm ha rừng.
Kiểm lâm Sông Mã cùng người dân tuần tra, kiểm soát bảo vệ vốn rừng.