Hơn 20 năm kể từ khi “nổ ra” bãi vàng Ma Nu nằm trong mỏ vàng Pắc Lạng (xã Thượng Quan huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn), dù cơ quan chức năng nhiều lần tổ chức truy quét, xua đuổi dân đào đãi, nhưng hoạt động ở bãi vàng lớn nhất tỉnh Bắc Kạn này chưa hạ nhiệt.
Cho đến bây giờ, dân làm vàng ở Bắc Thái (cũ) vẫn mơ về cái thời bãi vàng Ma Nu được phát lộ khoảng năm 1990. Lúc đó là thời kỳ rực vàng ở đây, có đến hàng nghìn lán của dân đào đãi, biến Ma Nu thành một phố thị kiểu “miền Tây hoang dã” bên nước Mỹ với vàng, gái, thuốc phiện và không thể thiếu những vụ thanh toán khủng khiếp...
Lán của dân đào vàng ở bãi Ma Nu. |
Vàng nổ giữa núi
Là một trong những tay bưởng vàng đầu tiên xuất hiện ở Ma Nu, ông Triệu Văn Hải (tự Hải “khoằm”) năm nay đã 56 tuổi, giờ là đại gia với chuỗi nhà hàng, khách sạn sang trọng ở TP. Thái Nguyên. Đó là kết quả có được sau những năm tháng ăn bờ ở bụi tại Ma Nu. Ông Hải chậm rãi kể cho tôi về lai lịch của bãi vàng nổi tiếng nhất vùng Việt Bắc từ trước đến nay.
Ngay từ thời Pháp thuộc thì bãi Ma Nu đã được họ khai thác, và được coi là “vựa vàng” lớn nhất nhì nước ta với diện tích khoảng 35km2. Nhưng sau khi Pháp rút khỏi Việt Bắc, bẵng đi một thời gian người ta cũng quên bãi vàng này.
Đến khoảng năm 1990, tình cờ có một người dân ở xã Thượng Quan đi đuổi trâu đã phát hiện những phiến quặng có màu bã trầu xếp vào nhau như úp thìa. Với kinh nghiệm sống ở vùng có quặng, người này nhặt về lấy chày giã ra, rồi dùng thuỷ ngân và cyanua tách lấy vàng. Thật bất ngờ, chỉ một bao quặng nho nhỏ đã thu được gần 2 cây vàng.
Thông tin Ma Nu có vàng lan nhanh như đám cháy, hàng nghìn người trong tỉnh Bắc Thái lúc đó, rồi Hà Nam Ninh, Hà Bắc lũ lượt kéo nhau về để tìm vận may và đổi đời. Những lúc cao điểm như năm 1991 có khoảng 14.000 người ở Ma Nu.
Ông Hải bảo, lúc đó có thể nói ở Ma Nu người ta sờ vào đâu cũng thấy vàng, người có tiền đầu tư thì dựng lán, làm bưởng rồi đào hầm, ngày thường cũng kiếm đôi chỉ đến nửa cây để nuôi quân đủ cả cơm trắng lẫn “cơm đen” (thuốc phiện). Còn những kẻ lang thang ở bãi vàng không làm cho chủ nào cả, thì chỉ cần mỗi ngày làm 1 túi sái hay trộm được tải quặng là cũng có vài phân vàng, nếu tốt số là được cả chỉ. Cứ thế, Ma Nu có một sức hút đến rợn người...
Số phận những bưởng vàng
Khoảng cuối năm 1992, dân bãi vàng Ma Nu phát sốt khi bưởng vàng Tình Linh quê ở Ninh Bình trúng ục. Trong ký ức của dân đào vàng Ma Nu, có lẽ đây là một trong những lán rực vàng nhất. Không biết bưởng Tình Linh được bao nhiêu cây vàng một ngày, nhưng chỉ tính vo sau mỗi ngày ra máng cạo lại có thêm 1 chai vàng cốm.
Đầu tiên vàng còn đựng vào từng chai một, sau đó phải trưng dụng cả thùng đựng gạo để trữ vàng. Lúc đó lán của bưởng Tình Linh có khoảng 50 quân. Quân suốt ngày thịt gà, thịt lợn và hút thuốc phiện, chơi gái, chủ thì chỉ ngồi chơi xóc đĩa từ sáng tới chiều mới ra cạo máng... Làm ăn đang vào cầu thì trong một đêm mưa gió đầu năm 1993, lán của vợ chồng ông Tình bị ném mìn thổi bay cả nóc, ông và vợ (bà Linh) chết gục tại chỗ ngủ, những chai, thùng vàng cốm ước chừng khoảng hơn 2 tạ biến mất.
Dân bãi vàng đồn ông Tình bị cướp tấn công, nhưng nhiều người thì cho rằng chính quân của ông ta làm phản. Ngay sau khi chủ chết, đám quân lấy cớ đưa xác chủ về quê cũng tự giải tán, lán và hầm vàng bị người khác chiếm.
Đến bây giờ, nhiều bưởng vàng ở Ma Nu vẫn chưa bao giờ quên trận chiến giữa 2 lán của bưởng Trần Hoa và Việt “kiếm”. Hoa là người ở huyện Na Rì, Bắc Kạn, nổi tiếng khoẻ mạnh, giỏi võ, ít nói và lì lợm. Còn Việt “kiếm” quê Nam Định, lúc nào cùng xách theo thanh kiếm Nhật và dẫn theo khoảng 20 đệ tử diễu võ dương oai.
Từ mâu thuẫn khi đánh mìn lấy quặng vàng trong hang, 2 bên đều ủ mưu cướp hang của nhau để mở rộng sản xuất. Tết năm 1995, sau khi nhậu giao thừa, Việt “kiếm” đã cho quân ném mìn vào lán của đối thủ để phủ đầu, rồi xách kiếm xông vào...
Nhưng Trần Hoa đoán được Việt “kiếm” sẽ tấn công nên đã cho quân dạt ra rừng phục sẵn. Khi Việt và quân tới, Hoa lao từ trong đám khói mìn ra quật ngã, tước luôn thanh kiếm và tiện thể khắc luôn 11 vết lên người Việt. Trọng thương nhưng Việt không chết, bỏ chạy về quê. Sau trận đó, Trần Hoa nổi lên như cồn, các lán vàng ở khu vực Vườn Cam, Chuồng Bò đều phải cung phụng hắn.
Mải mê trong cái hư danh bưởng trưởng, Trần Hoa suốt ngày thoả thích hút hít. Chỉ sau 2 năm, Hòa thành con nghiện nặng, quân bỏ đi hết. Mắc thêm bệnh xơ gan cổ trướng, sau đó Hoa thành một kẻ thân tàn ma dại, dạt ra khỏi Ma Nu như bao kẻ thất thế khác.
Kỳ 2: Làng “toóc vét”.
Gia Tưởng