Các nhà khoa học máy tính, nhà toán học và ngôn ngữ học tại Đại học Vermont và tập đoàn MITRE đánh giá 10 loại ngôn ngữ trên thế giới theo phụ đề phim, tác phẩm văn chương, lời ca khúc và các dòng chia trẻ trên phương tiện xã hội, thu thập khoảng 100 tỷ từ từ mạng xã hội Twitter.
Họ sử dụng dữ liệu từ 24 loại nguồn khác nhau và lập danh sách 10.000 từ phổ biến nhất trong mỗi ngôn ngữ. Các phản ứng về mặt cảm xúc được đánh giá trên thang điểm 9, từ buồn nhất đến hạnh phúc nhất. Kết quả cho thấy mỗi nguồn tiếng đều có điểm trung bình trên 5.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra dấu ấn sâu sắc về tính xã hội của con người trong ngôn ngữ. Ảnh minh họa: iStock
"Với mọi nguồn mà chúng tôi đánh giá, con người sử dụng nhiều từ tích cực hơn là từ tiêu cực", nhà toán học Peter Dodds nói. Hầu hết ngôn ngữ đều có xu hướng tích cực, nhưng một số loại thì có mức độ cao hơn. Tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, tiếng Anh, Indonesia, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Arab, tiếng Hàn và tiếng Trung, lần lượt được xếp theo thứ tự hạnh phúc giảm dần.
Theo CS Monitor, kết quả này củng cố học thuyết Pollyanna. Năm 1969, hai nhà tâm lý học Jerry Boucher và Charles Osgood của Đại học Illinois từng nghiên cứu dữ liệu 13 ngôn ngữ và chỉ ra xu hướng chung của nhân loại là dùng những từ tích cực.
Phương thức tiếp cận của nghiên cứu mới không chỉ khẳng định thuyết Pollyanna mà còn có thể được sử dụng để "đo" sự thay đổi cảm xúc của con người. Năm 2013, họ nhận thấy tính tích cực trong những dòng chia sẻ Twitter bằng tiếng Anh tương đối gần gũi với kết quả khảo sát về mức độ hạnh phúc. Theo nhóm chuyên gia, kết quả này chỉ ra dấu ấn sâu sắc về tính xã hội của con người trong ngôn ngữ.