Nhân dịp đón xuân mới, mấy người bạn ngồi uống rượu với nhau, một người nói:
- Mừng Xuân Ất Mùi - năm con Dê có rất nhiều chuyện để nói. Dê là một loài động vật nhai lại, sừng rỗng, cong quặp về phía sau, cằm có túm lông làm thành râu, người ta nuôi dê để lấy sữa và ăn thịt... Đặc biệt, cả thịt và sữa dê đều rất ngon và bổ; dê lại có thể ăn được nhiều loại thức ăn, cây cỏ nên ở nước ta dê được nuôi khá nhiều, được xếp vào một trong sáu loài vật (lục súc) quen thuộc. Các ông có biết đó là sáu con gì không?
- Dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu.
- Đúng! Mình hỏi tiếp: Trong dân gian có 3 thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng thần thánh gọi là tam sinh là những con gì?
- Đó là: Dê, lợn, bò.
- Tại sao người ta bảo dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tình dục?
- Vì loài dê đực vốn tràn đầy sinh lực tình dục, trong thực tế một con dê đực có thể giao phối cả một đàn dê cái hàng mấy chục con!
- Người ta hay dùng những từ gì liên quan đến dê để chỉ những người có tính dâm đãng, có khả năng sinh dục mạnh mẽ ham chinh phục người khác giới?
- Đó là: Máu dê, thói dê, dê cụ, dê già, dê xồm, dâm dê...
- Để chê trách cách thức làm ăn không biết tính toán, người ta dùng câu gì?
- "Bán bò tậu ruộng mua dê về cày"!
- Đánh giá sự kể lể tản mạn, dài dòng, huyên thuyên về những việc lặt vặt, ngoài lề thì dùng câu nào?
- "Cà kê dê ngỗng".
- Câu gì nói về kinh nghiệm lựa chọn những hoạt động phù hợp với năng lực, hoàn cảnh?
- "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng". Ngoài ra còn có câu: "Phú dưỡng ngan, bần dưỡng dương" (giàu nuôi ngan, nghèo nuôi dê).
- Để chỉ sự không thống nhất giữa nội dung và hình thức, nói một đằng làm một nẻo hoặc nói và làm không ăn khớp với nhau, người ta dùng câu gì?
- "Treo đầu dê bán thịt chó"!
- Câu gì ám chỉ con người ta không rõ ràng trong các vấn đề, câu này liên quan đến hai thứ tiết (máu) khác nhau, nhưng người ta chỉ ăn tiết canh dê chứ không ai ăn tiết canh bò?
- "Máu bò cũng như tiết dê".
- Câu gì liên quan đến hổ và dê để chỉ việc dùng bề ngoài giả dối, lòe loẹt để lừa bịp che đậy thực chất bên trong?
- "Dương chất hổ bì" (Có những thứ cái chất là chất dê nhưng da là da cọp)!
- Để chỉ nghị lực cao, sẵn sàng chịu đựng mọi đói khổ, thiếu thốn, tủi nhục để giữ vững lòng trung thành hoặc thực hiện mục tiêu cơ bản của mình, người ta có câu gì?
- "Chăn dê uống tuyết".
- Xin hỏi tiếp, trẻ em Việt Nam khi chơi trò dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao vui nhộn nào liên quan đến dê?
- "Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cửa nhà trời/ Lạy cậu lạy mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp/ Ngồi xệp xuống đây".
- Đúng vậy! Đôi khi bên cánh võng, chị hát ru em bằng tình cảm yêu thương: "Em tôi buồn ngủ buồn nghê/ Con tằm đã chín, con dê đã mùi/ Con tằm giữ lấy mà nuôi/ Con dê đã mùi làm thịt em ăn". Hỏi tiếp nhé, trò chơi gì mà thời trước không những trẻ con rất thích mà nam nữ thanh niên cũng khoái vì có điều kiện gần gũi, đụng chạm vào nhau, vượt qua ranh giới "nam nữ thụ thụ bất thân"?
- Đó là trò chơi "bịt mắt bắt dê"!
- Tại sao?
- Vì: "Giả vờ bịt mắt bắt dê / Để cho cô cậu dễ bề... với nhau"!
- Chúng mình cùng nâng cốc chúc mừng năm Ất Mùi nhé! Nếu như năm Ngọ được xem là năm làm ăn phát tài phát lộc, thì năm Mùi là năm tốt nhất cho việc cưới hỏi đấy: "Năm Ngọ mã đáo thành công/ Năm Mùi dê béo rượu hồng phủ phê". Xin mời!...