Được đưa ra giới thiệu tại Nhà Trưng bày hiện vật Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) từ tháng 11-2013, ngẫu tượng Chăm Mukhalinga thu hút sự quan tâm của nhiều du khách bởi hình thù có phần “nhạy cảm”. Ngẫu tượng Chăm này mô tả bộ phận dương vật của đàn ông, nhô ra phần cổ và đầu tượng thần Siva. Bảo vật này được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá là kiệt tác độc bản của nền điêu khắc Chăm.
Hạnh phúc khó tả
Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, Mukhalinga có niên đại đầu thế kỷ thứ VIII, chất liệu sa thạch, hơi vàng, thô nhám. Được phát hiện tình cờ và khai quật tại góc Đông Bắc của tháp Mỹ Sơn E1 vào tháng 11-2012, bảo vật này cao 126 cm, hiện vẫn còn khá nguyên vẹn.
Bảo vật Mukhalinga tại Nhà Trưng bày hiện vật Mỹ Sơn
“Hiện vật này được gọi là Mukhalinga chứ không phải Linga là vì trên phần trụ tròn, tại vị trí bên trên lớp da mỏng của đầu dương vật nhô ra chiếc cổ và đầu tượng thần Siva” - ông Khiết giải thích.
Theo giới thiệu trong hồ sơ đăng ký bảo vật quốc gia, Mukhalinga có 3 phần gần bằng nhau, gồm hình tròn, hình bát giác và hình vuông. Phần hình tròn chạm nổi một đầu tượng (cao 21,5 cm, rộng 13,5 cm, dày 12 cm), cổ gắn liền với Linga. Linga thể hiện một đầu thần Siva, là đấng hủy diệt và tái tạo vũ trụ trong Ấn Độ giáo của vương quốc cổ Chămpa. Đầu tượng có búi tóc cao 5,5 cm - gọi là jata, một kiểu tóc tiêu biểu của thần Siva; trán rộng phẳng, khuôn mặt thanh tú, đôi lông mày cong hơi nhô ra; mắt nhìn xuống, sống mũi thẳng, miệng có râu mép đã bị mờ, 2 môi dày mím lại, cằm chẻ, vành tai trên cao ngang chân mày, dái tai buông xuống ngang cằm.
Phần bát giác có cặp cạnh đối xứng bằng nhau, hai cạnh liền kề không bằng nhau (18 cm, 16,5 cm); phần vuông có cạnh 41,5 cm. Hiện vật bị mòn mờ một cách tự nhiên bởi thời gian. Mặt chính của Linga có nhiều đường vân đá hình cánh cung nổi hẳn lên do bị xói mòn.
Nhắc lại quá trình phát hiện ngẫu tượng Mukhalinga ở khu di tích Mỹ Sơn, ông Nguyễn Công Hường, nguyên Trưởng Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, người có công đầu giúp Mukhalinga được công nhận là bảo vật quốc gia, vẫn chưa hết xúc động. “Cảm giác khi phát hiện bảo vật này rất khó tả. Thực tế, với ngôi đền tháp như Mỹ Sơn, linh vật chính để thờ phải là Linga. Tuy nhiên, khi phát hiện Mukhalinga, chúng tôi vẫn cho rằng đây là một may mắn rất lớn cho Mỹ Sơn. Điều đó khiến anh em làm việc ở đây rất hạnh phúc” - ông Hường bày tỏ.
Theo ông Hường, địa điểm phát hiện ngẫu tượng trước đây là khu vực đầy cỏ dại. Trong quá trình trùng tu ngôi đền tháp E4, đơn vị đã mở một lối đi khác cho du khách. Sau một cơn mưa lớn, các cán bộ khu di tích phát hiện ở lối đi này một phần bằng chiếc bát nhô lên. Với cảm quan của người làm nghệ thuật, các cán bộ nghi ngờ đây là một Mukhalinga nên đã tiến hành khai quật.
“Qua tư liệu, chúng tôi biết ở khu vực đền E, F có Mukhalinga nhưng không rõ nằm tại đâu. Chúng tôi luôn đau đáu và để tâm ở khu vực này nên khi nó lộ ra một phần nhỏ thì anh em hy vọng đó là Mukhalinga. Thế nên, khi tượng phát lộ, việc khai quật rất thận trọng vì phần điêu khắc ở đầu rất mỏng manh, nếu không cẩn thận sẽ làm rơi ra” - ông Hường nhớ lại.
Kiệt tác điêu khắc Chăm
Theo ông Hường, Mukhalinga là một hiện vật gốc, độc bản. Trong 1.010 hiện vật đăng ký ở khu di tích Mỹ Sơn, Mukhalinga này là chiếc duy nhất. Đây cũng là tượng Mukhalinga duy nhất được phát hiện tính tới nay trên cả nước.
“Mukhalinga hầu như chỉ hiện hữu trên sách báo, tư liệu nên phát hiện được là rất hiếm. Điều đáng quý nữa là hiện vật này vẫn còn khá nguyên vẹn. Khi làm hồ sơ, chúng tôi không phải hy vọng nữa mà tin tưởng chắc chắn nó sẽ trở thành bảo vật quốc gia. Bởi thực tế, trước khi khai quật, nhiều nhà khoa học, khảo cổ học và những người quan tâm đến Mỹ Sơn đã đánh giá rất cao giá trị của hiện vật này. Trong 12 bảo vật quốc gia thì Mukhalinga rất đặc biệt bởi nó còn có giá trị ở khu vực” - ông Hường khẳng định.
Theo ông Hường, các nhà nghiên cứu sau khi so sánh niên đại của Mukhalinga này vào đầu thế kỷ thứ VIII cũng như vị trí phát hiện của nó tại góc Đông Bắc tháp Mỹ Sơn E1 đã đi đến kết luận: Nhiều khả năng đây chính là Linga được thờ trên Đài thờ Mỹ Sơn E1 (một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chămpa, từng được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2012), được nhắc đến trong các văn bia Chăm tìm thấy tại di tích Mỹ Sơn. Vì vậy, tác phẩm này được đánh giá là một kiệt tác của nền điêu khắc Chămpa dựa trên phong cách thể hiện cũng như giá trị lịch sử của chính nó.
Trong bài viết gửi Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn, PGS-TS Ngô Văn Doanh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng Mukhalinga này không chỉ là chiếc thực sự bằng đá đầu tiên của Chămpa được phát hiện mà còn là một hiện vật điêu khắc Chămpa có phong cách và niên đại rất sớm (từ thế kỷ VII-VIII). Hơn thế nữa, với những giá trị văn hóa và nghệ thuật rất đặc biệt, Mukhalinga Mỹ Sơn là một trong những Mukhalinga đẹp và độc đáo nhất, không chỉ của Chămpa mà còn của cả khu vực Đông Nam Á thời cổ.
“Đây là một Mukhalinga điển hình, được thể hiện với đầy đủ những chuẩn mực về hình dáng và ý nghĩa biểu tượng. Khuôn mặt vị thần của Mukhalinga được tạo khối xung quanh đôi mắt và ở bên cạnh mũi nên có tính hiện thực cao, rất tự nhiên và sống động. Đây chính là phong cách điêu khắc đặc sắc của Mỹ Sơn E1” - ông Doanh phân tích.
Sẽ thu hút du khách
Ông Nguyễn Công Khiết cho biết sau khi được công nhận là bảo vật quốc gia, Mukhalinga Mỹ Sơn đã được các bảo tàng Đức đến đặt vấn đề mượn đưa sang nước này trưng bày. Hiện đề xuất này đã được báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến.
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho rằng sau khi Mukhalinga được công nhận là bảo vật quốc gia, du khách sẽ đến Mỹ Sơn ngày càng đông. “Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và quảng bá hình ảnh bảo vật này đến với du khách” - ông Tịnh nói.