Manh động tự xử là phạm pháp
Hiện nay tại khu vực nông thôn nổi lên vấn nạn trộm chó, người dân thì manh động tự xử, kẻ trộm thì liều lĩnh quyết liệt chống trả, đã có những vụ án mạng, hủy hoại tài sản xảy ra. Trung tướng đánh giá thế nào trước thực trạng này?
Dù biết người dân bị mất trộm con chó là rất bức xúc nhưng không được dồn tâm trạng đó vào đối tượng khi bắt được. Khi người dân bắt được kẻ trộm cần phải đưa ngay hoặc báo cho cơ quan công an chứ không được phép tự xử. Đánh họ bị thương hay tử vong là người dân vi phạm pháp luật. Đã có nhiều vụ án người dân phải đi tù vì đánh chết đối tượng trộm chó, đó là bài học đắt giá.
Người dân khi truy bắt kẻ trộm cũng cần hết sức cẩn thận, bởi đối tượng trộm thường đem theo vũ khí, hung khí để chống trả khi vào đường cùng.
Việc xử lý vấn nạn trộm chó có những khó khăn gì khiến cho tình trạng này thời gian qua chưa được giải quyết triệt để thưa Trung tướng?
- Về mặt pháp luật, con chó thường giá trị chỉ dưới 2 triệu đồng nên bắt được đối tượng trộm cắp không đủ căn cứ để xử lý hình sự, chỉ xử lý hành chính. Trước đây có tâm lý với án nhỏ thì sự quan tâm cũng có mức độ, thời gian vừa qua sự quan tâm của lực lượng chức năng đến việc trộm chó đúng là chưa triệt để, gây tâm lý không tốt trong nhân dân. Sau khi phát hiện những vấn đề bất cập, Bộ Công an đã có chỉ đạo quyết liệt với cơ sở.
Về mặt nghiệp vụ, chúng tôi đã tháo gỡ cho lực lượng cơ sở, chẳng hạn bắt được đối tượng trộm chó tuy tài sản lấy trộm không đủ giá trị 2 triệu đồng nhưng sẽ dùng biện pháp nghiệp vụ để phát hiện thêm những lần đối tượng lấy trộm trước. Sau đó cộng dồn vào là có thể xử lý đối tượng theo pháp luật hình sự.
Cao điểm tấn công tội phạm trộm cắp
Bộ Công an có giải pháp gì để xử lý vấn nạn trộm chó đang gia tăng hiện nay?
-Bộ Công an đã có sự quan tâm đặc biệt trước vấn nạn trộm chó, mới đây Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã có công điện toàn quốc gửi giám đốc công an các tỉnh, thành phố thực thuộc T.Ư chỉ đạo xử lý riêng về tội phạm trộm chó.
Theo đó, phải tăng cường công tác tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm nhất là với các địa phương hay xảy ra tình trạng trộm chó; Nâng cao mô hình quần chúng tham gia đảm bảo an ninh trật tự cơ sở, lực lượng công an phải hướng dẫn để người dân chủ động, đồng thời tuyên truyền giáo dục pháp luật để người dân biết cách hành xử đúng mức. Giải pháp này sẽ giúp cho người dân chủ động trong việc bảo vệ tài sản của mình.
Một chỉ đạo nữa là tổ chức tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là vào ban đêm để chủ động phát hiện tội phạm; lực lượng cảnh sát hình sự phải tiến hành rà soát các đối tượng nghi vấn trộm cắp bổ sung vào những đối tượng theo dõi cơ bản, đồng thời lập các chuyên án để triệt phá những ổ nhóm, đường dây trộm cắp, chuyên tiêu thụ tài sản phạm pháp.
Cấp nào có vai trò quan trọng nhất trong xử lý những vụ việc này, thưa Trung tướng?
-Án trộm chó tuy giá trị tài sản không lớn nhưng gây bức xúc, nó không phải án cấp tỉnh, cấp T.Ư, chủ yếu là cấp huyện chỉ đạo và xử lý. Công an huyện không đủ lực lượng làm được cả nhưng phải dùng trinh sát bố trí làm điểm. Lấy ví dụ một số địa phương đã xử lý từ chỗ tiêu thụ chó, nghĩa là người tiêu thụ đó phải được tuyên truyền, răn đe, thậm chí mật phục bắt quả tang, nếu tiêu thụ tài sản trộm cắp có số lượng lớn là có thể xử lý hình sự.
Bên cạnh đó công an huyện phải hướng dẫn, tập huấn cho lực lượng công an xã để đưa ra biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ với nạn trộm chó.
Xin cảm ơn Trung tướng.