“Kể chuyện” bằng ngôn ngữ bảo tàng
Bảo tàng về cố Giáo sư Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên được toàn thể con cháu thành lập trên chính quê hương của ông, làng Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội) vào cuối tháng 11.2014 và mới đi vào hoạt động vài tháng nay vào các ngày cuối tuần.
Ông Nguyễn Văn Huy - con trai út của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên bên những kỷ vật vô giá của bố mẹ tại bảo tàng. Đàm Duy
Trưng bày của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thực hiện trên diện tích khoảng 150m2, giới thiệu gần 400 hiện vật, ảnh tư liệu, văn bản gốc, với nhiều bút tích của nhiều nhân vật, được gia đình lưu giữ một cách cẩn thận. Cùng với các kỷ vật của ông Huyên là kỷ vật của người vợ -bà Vi Kim Ngọc: Nhật ký bà viết về chồng, về các con, các cháu, những bản vẽ, tài liệu khi bà làm kỹ thuật viên ở Đại học Y Hà Nội, thư từ và cả những cuốn sổ chi tiêu hàng ngày...
Chân dung Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và vợ - bà Vi Kim Ngọc. Đàm Duy
PGS-TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, con trai của cố GS Nguyễn Văn Huyên cho biết: “Anh chị em chúng tôi quyết tâm xây dựng bảo tàng này từ sau chuyến đi thăm Hà Lan và thăm Bảo tàng Anne Frank. Tôi nghĩ, chỉ từ cuốn nhật ký của một cô gái Do Thái kể về cuộc sống của cô trong 4 năm sống dưới chế độ phân biệt chủng tộc, bài Do Thái của Hitle và Đức quốc xã mà người ta dựng lại được một bảo tàng sống động về tội ác diệt chủng trời không dung đất không tha ấy. Câu chuyện của bố mẹ chúng tôi, nếu không được “kể” lại bằng ngôn ngữ bảo tàng thì thật đáng tiếc, và cũng là chúng tôi có tội với tiền nhân”.
Ngôi nhà ký ức
Bước vào không gian của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, có lẽ điều ấn tượng nhất ở đây không phải là những hiện vật quý báu, hoành tráng mà ở chính không gian bảo tàng mang đến cho người xem. Người xem có cảm giác thân thiện, gần gũi như bước vào một ngôi nhà ký ức của những người cùng thế hệ với ông bà mình, khám phá cuộc sống rất đáng kính trọng của họ từ một góc nhìn của người trong cuộc. Và quan trọng hơn, Bảo tàng tư nhân Nguyễn Văn Huyên đã đóng góp cho xã hội một góc ký ức về một nhân cách lớn của một nhà giáo dục đại tài, người chủ trương lấy việc giáo dục nông dân làm căn cốt cho việc phát triển nền giáo dục.
Mặt đồng hồ có vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỷ vật Bộ trưởng Huyên yêu quý nhất. Đàm Duy
Trong đề tài nghiên cứu “Những vấn đề nông dân Bắc Kỳ” được công bố vào năm 1939 khi ông Nguyễn Văn Huyên làm việc tại Viễn Đông Bác cổ, ông nhấn mạnh: "Việc làm cơ bản, nếu không thì sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc, chính là giáo dục nông dân. Cần phải tiếp nhận những đứa trẻ “quặt quẹo và nghèo khổ” này và thử làm cho chúng trở thành những người có hiểu biết khách quan hơn về lợi ích của mình, có một ý thức hiện đại hơn về đời sống làng xã. Thì đó sẽ là một bước dài theo hướng thực hiện một đời sống nông thôn tốt đẹp hơn.”
Bên cạnh những kỷ vật quý giá của vị cựu Bộ trưởng, những lá thư riêng bộc lộ đời sống gia đình ông cũng khiến nhiều người tham quan bảo tàng vô cùng xúc động. Trong lá thư gửi cháu ngoại Nguyễn Kim Hiền, bà Vi Thị Ngọc viết: “Suốt cuộc đời tâm tâm niệm niệm làm điều tốt cho mình, cho người, trong tâm không có điều gì phải ân hận…
Với gia đình ta, bà đã xây đắp từng viên gạch nhỏ đầu tiên. Cứ thế cần cù kiên trì tin tưởng, phấn khởi bằng mọi khả năng của mình xây đắp tổ ấm hạnh phúc”. Những lời tâm sự của người bà dành cho cháu không chỉ là tình cảm riêng tư mà còn là một nhân cách sống đáng kính trọng để mỗi chúng ta học tập.
Cố Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục và là nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian kỷ lục, tới 28 năm (là Bộ trưởng thứ 4 của Bộ Giáo dục). Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về KHXHNV và Huân chương Độc lập hạng Nhất.