Dân Việt

Những mảnh thơ tình kỳ lạ

Trần Ninh Hồ 23/02/2015 14:00 GMT+7
Tình già, tình trung niên, tình trẻ, tình đích tình, tình mong tình, tình nhớ tình, tình... mất tình. Cứ là đủ lối, đủ kiểu, đủ nông nỗi sự tình. Khoảng mươi năm gần đây tôi đã đếm được trên các hiệu sách hơn một trăm tập thơ dòng chữ mảnh mai quen thuộc: “Thơ tình yêu”!

Mảnh tình trong ca dao

Có một thời, do những diễn biến thời cuộc, thơ tình ít xuất hiện, nhưng có lẽ hồn tình thì vẫn nguyên. Cho nên đôi khi nó được dùng để làm mềm câu thơ, ý thơ một cách khá tức cười. Người ta gọi "em" bông hoa, "em" lá cây đã đành, mà cả "em... ô tô", "em... máy cày", "em... cá quẫy", "em... sà lan"...

img

Thế rồi lại đến kỳ bội thực thơ tình! Nhà thơ nào dường như cũng có một mảng thơ tình đủ để in một tập trên dưới trăm trang. Trẻ đã đành mà trong những tập thơ ở những câu lạc bộ những người cao tuổi, hội viên trẻ nhất là 53 cũng không dưới tỷ lệ 30% thơ tình!

 

Tình già, tình trung niên, tình trẻ, tình đích tình, tình mong tình, tình nhớ tình, tình... mất tình. Cứ là đủ lối, đủ kiểu, đủ nông nỗi sự tình. Khoảng mươi năm gần đây tôi đã đếm được trên các hiệu sách hơn một trăm tập thơ có ngoặc kép dòng chữ mảnh mai quen thuộc: “Thơ tình yêu”. Đề thế hy vọng là dễ... bán. Nhưng mà ế cũng nhiều! Nói thơ tình ế, nghe ra nó phũ quá, nhưng mà quả có thế. Có lẽ nó cũng như tình yêu trong cuộc đời, không phải khi nào cũng được đáp lại, cũng gặp "ý trung nhân" chăng? Thôi thì chỉ sợ vờ yêu, yêu giả, còn nếu đã yêu thật thì cứ làm! Làm thơ tình như trả nợ nỗi tình. Hay như Nguyễn Du (và hình như chỉ có Nguyễn Du?) mới đặt cho loài người một cái tên rất khó chối là cái thói hữu-tình, cái-giống-hữu-tình! "Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong".

Đọc thơ tình hữu danh (bác học) có cái thú của thơ tình hữu danh. Nhưng vào những ngày xuân đầy trời hương sắc, khắp lối ca-trù, quan-họ, trống-quân, ví, giặm, chèo... này, tôi lại cứ thích lẩm bẩm cái khoản thơ-tình-khuyết-danh. Ấy là "cái nàng", "cái chàng" trong ca dao! Người ta, từ Đông sang Tây, đều thích gọi nàng thơ.

Điều này có điển có tích, và cũng đúng thôi. Nhưng với ca dao mà chỉ gọi nàng thôi thì e bất công với chàng, với "cái anh chàng rằng, cái anh chàng ơi" lắm lắm! Và ở riêng bài này tôi xin được nói nhiều về chàng, nhân vật hay bị trách móc nhiều nhất, đại loại "Nhớ ngày anh bủng anh beo/Tay bưng bát thuốc, tay đèo nồi canh/ Bây giờ anh mạnh anh lành/Anh âu duyên mới, anh tình phụ tôi/ Đất xấu vắt chẳng nên nồi/Anh đi lấy vợ để tôi lấy chồng"... Nhưng thật ra sự say đắm, thủy chung của anh ta cũng đâu đến nỗi.

"Một đợi đường cái ngã ba 
Chờ cho thấy mặt là ta mỉm cười"

“Mỉm cười” hay là "cười... nịnh"? Mà có ai cười... lại với chàng không? Không cần! Vẫn cứ thẳng tiến: "Hai đợi đường cái ngược xuôi/ Chờ cho thấy mặt đi đôi với mình". Không cười thì đi đôi! Đi đôi rồi mà nàng vẫn cứ cố "phớt ăng lê" thì đã có cái... đầu đình!: "Ba đợi đường cái đầu đình/Chờ cho thấy mặt kẻo mình nhãng quên". Nhãng quên hay cố tình quên? Vẫn chưa hề thất vọng! Chàng còn nhiều chốn linh thiêng nữa chắc hẳn phải khiến nàng cảm động. Ấy là: "Bốn đợi cửa miếu, cửa đền/ Đôi ta thề nguyền ước hẹn cùng nhau". Đã đến cái nước này, thì dẫu có là sắt đá, nàng cũng khó mà dửng dưng được!

Cuộc tỏ tình thế kỷ

Mà nếu có gặp phải "sắt đá" thì chàng cũng không hề nản khi đã thật yêu. Không dám gọi rõ tên nàng vì nhỡ gặp "đứa đanh đá", nó mắng, thì chàng đã có một thứ vũ khí rất lợi hại là hai từ phiếm chỉ "ai ơi". "Ai ơi trẻ mãi ru mà/Càng so sắn lắm càng già mất duyên". "Ai ơi chớ lấy làm lo/Bóng son rồi cũng coi cho gương mờ". "Ai về, ai ở mặc ai/Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh". "Ai ơi đã quyết thì hành/Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây"... Đã gọi đến thế rồi mà vẫn chưa có hồi âm nào hả? Thế thì: "Ai ơi chơi lấy kẻo chầy/Xem hoa bốn mắt, đi giầy ba chân". Trời ơi, hồi ấy đã có "Siêu thực" "Ấn tượng" "Tượng trưng" nào trong thơ đâu mà cái chàng cổ lỗ sĩ này đã bắt nàng phải "xem hoa bốn mắt, đi giầy ba chân"?. Ờ, đã lỡ tình, lỡ xuân đến cái "đận" phải đeo kính lão mà ngắm nàng (xem hoa bốn mắt), chống gậy chạy theo nàng (đi giầy ba chân) thì còn "tình tang" chi nữa!

Một mình chàng bất lực thì chàng sẽ phải huy động tổng lực! Cau, trầu, bầu, bí, con cốc, cái cò... tất cả là cứ phải vận vào thật sát cái cuộc tỏ tình thế kỷ này giữa cõi nhân gian!

Cau, trầu để châm chọc: "Cau già, dao sắc, lại non/Người già trang điểm phấn son cũng già". Để than vãn: "Có cau mà chả có vôi/Có chăn, có chiếu mà tôi nằm mình?"...

Bầu, bí: "Bầu già thì bầu bán rao/Bí già đóng cả làm cao lấy tiền". "Bầu già thì ở trên cây/Bầu non kéo xuống làm đây kéo thuyền"...

Cái cốc (con cốc) "Cái cốc lặn lội bờ sông/Muốn lấy vợ đẹp mà không có tiền". "Cái cốc lặn lội bờ cừ/Lấy sống lấy chết ta ưa lấy mình". 'Cái cốc lặn lội qua ngòi/Ta chưa lấy nó, nó đòi lấy ta"... Vơ vào là liều lĩnh đến thế là cùng!

Ấy là những câu bâng quơ ngoài đường. Chàng còn mò vào tận chùa khi thấy bóng nàng đi lễ. Ngày tết, ngày xuân trang nghiêm cảnh chùa mà chàng đã chuẩn bị, "phục linh": "Ba mươi súc miệng ăn chay" (đàng hoàng chưa?) "Sáng ngày mồng một dựng cây trúc dài/Lâm râm khấn Phật vái Trời/Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng" (vừa vái Trời, khấn Phật, sao đã nghĩ đến quần hồng, áo tím ở đây? Quá thể! Nhưng mà chưa xong đâu? Vì tình yêu chàng còn hô hào những việc động trời!) "Ai ơi hãy hoãn lấy chồng/Để cho trai gái dốc lòng đi tu" (đi tu thật à? Thế thì còn yêu đương gì nữa? Nhưng mà không phải thế đâu. Động tác giả để lừa vãi, lừa sư đấy!): "Chùa này chẳng có Bụt ru/ Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ sen/Thấy cô yếm đỏ, răng đen/ Na-mô-Di-Phật lại quên mất chùa...".

Đón đợi khắp lối ngang đường tắt, vào cả chùa để "mai phục" mà xem ra kết quả còn mờ mịt lắm. Đem cả cái đám cau, trầu, bí, bầu, cái cốc, con cò... ra nói xa nói gần, vẫn chưa đến đâu. Vậy thì chỉ có cách vào nhà?

Nhưng vào nhà người ta thì liệu có ai chịu đón tiếp không? Vậy thì chỉ có cách là "vượt cấp" lên... trời! “Đêm qua bước chân lên trời/Lạc đường lạc ngõ gặp người cung tiên/ Ước gì duyên sẽ bén duyên/Cho duyên cõi thọ thành duyên cõi trần (…) Còn như cô ấy với tôi/Thì ông xe thẳng thành đôi vợ chồng!".

Chàng đã lên trời thật chăng? Không đâu! Chàng vẫn mò vào nhà ở hạ giới này thôi. Bằng chứng "rất nhà" là ở chỗ y như một cái nhà ở làng quê vậy thôi chứ đâu có phải thiên đình thiên cung gì. Này nhé ao sen, chum vại, sân, cửa, và đặc biệt cái cách gọi cổng, xua chó: "Ông Tơ ông có nhà không/Ông ra xua chó tôi cùng với nao", thì chỉ có thể là chính nhà cô nàng đấy thôi!

Ôi, có thể gọi là "những mảnh tình kỳ lạ", hay là "một cuộc tình thiên niên kỷ" cũng chẳng ngoa chút nào với "cái anh chàng nhà quê" này. Đôi đoạn thơ tình mà tôi vừa kể cũng đã vào hạng "tẩm ngẩm tầm ngầm" đến mức mà "vua thơ tình" Xuân Diệu đã từng phải vui vẻ chắp tay, rồi vỗ bàn tán thưởng "cái anh chàng thi sĩ quê kiểng", không biết đã vang danh từ mấy trăm năm trước.

Nói thơ tình ế, nghe ra nó phũ quá, nhưng mà quả có thế. Có lẽ nó cũng như tình yêu trong cuộc đời, không phải khi nào cũng được đáp lại, cũng gặp "ý trung nhân" chăng? Thôi thì chỉ sợ vờ yêu, yêu giả, còn nếu đã yêu thật thì cứ làm! Làm thơ tình như trả nợ nỗi tình.