Dân Việt

Mối lương duyên với Hội chọi trâu

Lại Vĩnh Mùi 20/02/2015 08:07 GMT+7
Những ai từng đi xem các lễ hội chọi trâu đều thốt lên rằng, người ở đâu mà lắm thế. Trên khán đài chật cứng, dưới khán đài còn chật hơn nhiều. Không ít lần, đi xem trâu chọi mà chỉ thấy toàn là lưng người. Bực quá, có người thề: “Lần sau đừng bao giờ rủ tôi đi xem trò này nữa”. Thề thì cứ thề, ấy vậy mà sang năm mở hội, lại gióng giả: “Này, sắp chọi trâu rồi đấy, có cho đi cùng không”.

Chuyện trên khán đài chọi trâu

Nghĩ cũng lạ. Ai cũng biết, bóng đá là môn thể thao vua. Ở Việt Nam, vị thế của vị vua này càng rõ. Có cả những kênh truyền hình và những tờ báo chuyên về bóng đá. Hầu như báo in, báo mạng, báo tiếng nào cũng có chuyên mục bóng đá. Cuối tuần nào cũng có những trận được truyền hình trực tiếp. Hàng vài chục nhà báo chuyên nghiệp, rất nổi tiếng, nổi tiếng và ít nổi tiếng cùng hàng ngàn nhà báo không chuyên tham gia viết bài, bình luận, đưa tin, và nhận định.

img
Sôi động Hội chọi trâu Báo NTNN – Phúc Thọ lần I – 2014.  (Ảnh: T.L)

Giải bóng đá V-League hoành tráng thế, nhiều tên tuổi thế, có cả những hội cổ động viên chuyên nghiệp, màu cờ sắc áo tưng bừng, ấy thế mà nhiều trận nhìn lên khán đài mà thấy tủi tủi thế nào: Lèo tèo vài nghìn khán giả.

Đem so sánh chọi trâu với bóng đá thì quả là khập khiễng và có phần... khiếm nhã. Nhưng sự thật lại rất trớ trêu. Các lễ hội chọi trâu, dù diễn ra ở bất cứ đâu: Đồ Sơn ư, Hải Lựu ư, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Lục Yên ư... và gần đây nhất là Phúc Thọ ư, lần nào cũng kín hết chỗ. Khán đài A kín, khán đài B chật ních, các khán đài còn lại cũng không còn chỗ trống. Ban đầu còn có chỗ ngồi. Một lúc sau thì mạnh ai nấy đứng. Đến giữa buổi thì đứng cũng chẳng xem được. Toàn lưng là lưng. Rồi cái khó ló cái khôn. Mấy người chạy ra cổng mượn ghế nhựa, không phải để ngồi mà là để... đứng lên. Chỉ có thế mới xem được. Mới đầu là mượn. Sau thấy nhu cầu cao quá, chủ ghế đòi phải thuê. 10 nghìn một ghế. Xong ngay, còn hơn là không xem được gì. Có cung ắt có cầu. Mấy chủ quán bên cạnh sân cũng kiếm dăm bảy trăm nghìn ngon ơ. Vì thế có thể nói rằng, chắc chẳng ở đâu có dịch vụ cho thuê ghế để... đứng như hội chọi trâu Phúc Thọ.

Chuyện các cuộc chọi trâu có đông khán giả thì có thể nói mãi. Nhưng không chỉ đông, điều khác biệt là các gương mặt khán giả. Nếu trên các khán đài xem bóng đá chủ yếu là đàn ông trung niên và thanh niên… thì các khuôn mặt trên khán đài xem chọi trâu mới đa dạng làm sao. Nam có nhiều mà nữ cũng không ít. Già có, trẻ có, thậm chí nhiều cụ già và càng nhiều trẻ em. Có cả những cụ bà cũng ra sân để xem “trâu xã nhà” chọi với xã bên thắng thua thế nào. Nếu có xét thêm chút thành phần thì có thể nói, người xem chọi trâu chủ yếu là nông dân.

Chắc hẳn vì thế nên cái cách khán giả cổ vũ trong khi diễn ra các trận chọi trâu cũng thật lạ. Thật hồn nhiên, đúng như bản tính của người nông dân Tất nhiên cũng vỗ tay, hò reo khản cổ. Cũng vẫy băng rôn rộn ràng... Những còn có cả nhiều điều thú vị khác. Ai cũng biết khi các ông trâu vào giai đoạn cao trào, phải mang hết sức lực để ghìm đối phương thì bộ phận sinh thực khí cũng bung ra hết cỡ. Một lần đứng trên khán đài, tôi bỗng nghe thấy tiếng con gái bên cạnh: “Con số 6 kia, thò hết cả b... ra rồi”. Ngoảnh lại, thấy cô bé chừng 12, 13 tuổi, vừa nói xong câu đó mà mặt vẫn lạnh như không.

Có một mối lương duyên thế kiềng ba chân

Trong số gần chục lễ hội chọi trâu được tổ chức hàng năm hiện nay trên khắp cả nước, hội chọi trâu Phúc Thọ là mới nhất vì chỉ mới qua một mùa. Mặc dầu thế, có rất nhiều điều đáng nói về hội này.

Trong khi tất cả các lễ hội chọi trâu khác đều do các địa phương đứng ra tổ chức thì hội này ra đời là nhờ một mối lương duyên rất đẹp giữa địa phương, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông. Lãnh đạo huyện Phúc Thọ, đặc biệt là đồng chí Bí thư Huyện uỷ Ngọ Duy Hiểu và đồng chí Chủ tịch UBND huyện Hoàng Mạnh Phú đã hồ hởi tiếp nhận ý tưởng tổ chức lễ hội chọi trâu tại địa phương và đã thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao trong việc chỉ đạo tổ chức. Báo Nông Thôn Ngày Nay - cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - trong vai đồng tổ chức thực sự đã mang lại diện mạo mới cho hội. Các doanh nghiệp, các chủ trâu nhanh chóng nắm bắt được lợi thế của một địa điểm chỉ cách trung tâm Thủ đô hơn 30km. Chính sự kết hợp lý tưởng của thế chân kiềng này mà hội chọi trâu Báo Nông Thôn Ngày Nay - huyện Phúc Thọ đã thành công rực rỡ ngay từ lần tổ chức đầu tiên.

Người viết bài này đã may mắn được tham dự hai hội nghị tổng kết hội chọi trâu Phúc Thọ năm 2014. Nếu như hội nghị đầu tiên tổ chức ngay sau khi kết thúc lễ hội ngập tràn sự hân hoan về kết quả mỹ mãn của lễ hội thì cuộc họp sau đó một tuần lại có một không khí khác hẳn. Cả Ban lãnh đạo huyện, cùng trưởng các ban, ngành cùng Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay Lưu Quang Định và đại diện doanh nghiệp đều có mặt đầy đủ. Tất cả chỉ dành vài lời để nói về các mặt thành công của lễ hội, còn hầu hết là các ý kiến về những điều còn bất cập, những điều cần rút kinh nghiệm. Nào là vấn đề không kiểm soát tốt được lượng giấy mời, nào là công tác bảo vệ chưa tốt, để người dân tràn vào khu vực thi đấu, nào là chuyện thiếu nhà vệ sinh di động, dẫn đến tình trạng mất vệ sinh trong sân. Chuyện giết mổ trâu mất mỹ quan, mất vệ sinh cũng là đề tài nóng…

Một câu chuyện chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy bút của truyền thông, đó là tính bạo lực của các kháp đấu. Đã có rất nhiều ý kiến từ trước khi lễ hội bắt đầu, rằng đó là kiểu lễ hội “máu” không nên tổ chức. Trong thời gian diễn ra hội, luồng ý kiến này còn bùng lên mạnh hơn nữa. Ban tổ chức đã thấy được vấn đề này và đang tìm nhiều biện pháp để giải quyết, đây không phải là câu chuyện có thể khắc phục chỉ sau một vài lần tổ chức, nhưng với cách tiếp cận mới, chắc chắn các lần tiếp sau sẽ giảm dần tính bạo lực và tăng cường tính nhân văn cho hội. Về chủ đề này, xin hẹn đến một lần khác...


Hiện, trên cả nước có 10 Lễ hội chọi trâu: Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Chiêm Hoá, Hàm Yên (Tuyên Quang), Lục Yên , Tân Nguyên (Yên Bái), Nghĩa Lộ, Nghi Thái (Nghệ An) Phúc Thọ (Hà Nội) và Bắc Ninh 2015.